Hiện nay quy định pháp luật về xuất bản phẩm điện tử là gì? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử được quy định như thế nào?
Quy định về xuất bản phẩm điện tử
Tại khoản 4, khoản 9 Điều 4 Luật Xuất bản 2012 quy định xuất bản phẩm điện tử như sau:
Xuất bản phẩm điện tử là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử.:
- Sách in;
- Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;
- Các loại lịch;
- Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử
Tại Điều 50 Luật Xuất bản 2012 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử như sau:
- Nhà xuất bản, tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản có trách nhiệm:
+ Thực hiện quy định tại các điều 18, 19, 21, 22, 23, 24, 27, 45, 46, 47, 48, 49 và 52 Luật Xuất bản 2012;
+ Đảm bảo nội dung xuất bản phẩm điện tử được phát hành đúng với nội dung xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu;
+ Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Dừng việc phát hành xuất bản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;
+ Kiểm tra, giám sát nội dung xuất bản phẩm liên kết.
- Đối tác liên kết xuất bản có trách nhiệm:
+ Thực hiện quy định tại các điều 23, 45, 46, 47 và 49 của Luật Xuất bản 2012;
+ Thực hiện đúng nội dung bản thảo đã được tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản ký duyệt;
+ Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc can thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Dừng việc phát hành xuất bản phẩm khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm có trách nhiệm:
+ Thực hiện đúng quy định tại Điều 46 Luật Xuất bản 2012 và các điểm b, c, d khoản 2 Điều 50 Luật Xuất bản 2012;
+ Thực hiện đúng văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phát hành xuất bản phẩm điện tử.
- Cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu điện tử không kinh doanh có trách nhiệm:
+ Thực hiện đúng quy định, tại khoản 6 Điều 25 Luật Xuất bản 2012;
+ Thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc có thể thiệp vào nội dung xuất bản phẩm hoặc loại bỏ xuất bản phẩm có vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông tại Việt Nam có trách nhiệm:
+ Thực hiện quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 50 Luật Xuất bản 2012;
+ Thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải thực hiện đúng quy định về sở hữu trí tuệ khi phát hành xuất bản phẩm điện tử.
=> Theo đó có thể thấy xuất bản phẩm điện tử là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức theo quy định dưới định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử phải tuân thủ trách nhiệm theo quy định.