Vừa mới đây tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở quận 3, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng vẫn còn tình trạng giáo viên (GV) kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt.
Thực trạng này sẽ khiến học sinh (HS) căng thẳng, áp lực, để HS hạnh phúc khi tới trường, GV không nên kiểm tra bài theo kiểu trên vì có nhiều hình thức đánh giá đa dạng khác.
Tình trạng gọi trả bài miệng sẽ gây áp lực khi đến trường cho học sinh
Trả bài miệng là việc giáo viên yêu cầu các học sinh của mình chuẩn bị, ôn tập các kiến đã học lần trước để đến lớp kiểm tra lại việc ghi nhớ, ứng dụng của học sinh.
Đây là một trong những cột điểm ghi nhận vào điểm tổng kết của học sinh cùng với điểm làm bài kiểm tra 15 phút, điểm kiểm tra 1 tiết và thi học kỳ.
Tuy nhiên, điều đáng nói và gây lo lắng ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh từ trước tới nay đối với bài kiểm tra miệng là việc ôn tập thì cả lớp nhưng gọi trả bài thì lại kêu tên cụ thể từng HS lên kiểm tra, việc gọi tên có thể là ngẫu nhiên kể cả người đã có điểm kiểm tra miệng hay học bài rồi thì vẫn gây tâm lý rất nặng nề mỗi khi bắt đầu buổi học.
Một vài HS kể lại những trải nghiệm về việc kiểm tra miệng:
Việc kiểm tra bài còn phụ thuộc vào tâm trạng của GV. “Hôm nào vui cô dạy bài mới, không thì cô kiểm tra miệng hoặc cho làm bài kiểm tra 15 phút. Vì thế, em chỉ mong GV khi kiểm tra nên báo trước để học trò đỡ căng thẳng”.
Một HS khác chia sẻ dù đã chuẩn bị bài ở nhà nhưng khi tới lớp vẫn cảm thấy lo lắng nếu bị gọi lên trả bài cũ. “Em không biết sao nhưng có thể bị ảnh hưởng tâm lý. Năm cấp III em chưa gặp nhưng suốt thời gian học cấp I và II, em rất áp lực với hình thức này”.
Một số hình thức đánh giá HS thay thế kiểm tra miệng đầu môn học
Việc kiểm tra bài là một bộ phận không thể tách rời và thường xuyên trong quá trình dạy học và lĩnh hội kiến thức của HS.
Mục đích của việc này giúp GV kiểm tra lại khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức của HS để từ đó có sự điều chỉnh về phương pháp dạy học. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng cách gọi từng HS lên bảng bất chợt thường gây tâm lý căng thẳng, đặc biệt đối với những em chưa sẵn sàng.
Do đó GV có thể thay thế kiểm tra bài cá nhân bằng hình thức tập thể. GV ra câu hỏi, yêu cầu làm trên giấy, hết thời gian, GV sẽ chọn một số bài ngẫu nhiên và chấm điểm.
Bên cạnh đó, trong giờ lên lớp, bất kỳ câu hỏi nào HS trả lời đúng cũng ghi nhận và cho điểm. Ngoài ra còn kết hợp hình thức vấn đáp, thuyết trình cá nhân và làm việc nhóm. Hãy nuôi dưỡng tâm trạng thoải mái ngay từ đầu tiết học thay vì tạo căng thẳng bằng kiểm tra bài.
Theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH năm 2020 cụ thể kiểm tra bài được thực hiện dưới nhiều hình thức như viết, bài kiểm tra trắc nghiệm, bài luận, bảng hỏi ngắn; quan sát hành động, thái độ, sản phẩm của HS; phương pháp hỏi - đáp được vận dụng thường xuyên; đánh giá qua các sản phẩm học tập như phiếu học tập, bài thuyết trình và cuối cùng hồ sơ học tập của các em.