Không chỉ BLTTDS mà Luật Tố tụng Hành chính 2015 cũng quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự có thể là công dân. |
Như vậy, không chỉ có luật sư mới được quyền “cãi” cho đương sự tại tòa mà ngay một người dân bình thường cũng có thể tham gia phiên tòa như một “luật sư”.
Ai có quyền bào chữa?
Trường hợp trên không phải là đầu tiên. Theo một thẩm phán TAND quận 2 TP.HCM, tòa đã thụ lý một số vụ kiện hành chính mà người bị khởi kiện đã mời một công dân bình thường (không phải luật sư) tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là ai sẽ được phép “cãi” tại tòa như một luật sư và cần có những điều kiện gì?
“Trong những trường hợp này tòa yêu cầu công dân tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có lý lịch tư pháp. Bởi vậy, công dân nào có chứng nhận về lý lịch tư pháp như quy định của Bộ luật thì có thể tham gia phiên tòa”, vị Thẩm phán TAND quận 2 giải thích thêm.
Điều này cũng đã được luật quy định khá rõ. Cụ thể, tại điểm d, khoản 2 điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định về những người có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là những công dân thỏa mãn các quy định như:
“Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tịch, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát và công chức sỹ quan, hạ sỹ quan trong ngành công an”.
Như vậy, theo quy định của BLTTDS thì công dân chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu trên là có thể tham gia tố tụng với tư cách như một luật sư.
Bởi đây là quy định mới trong Bộ luật TTDS và TAND Tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể về việc một người làm thế nào để chứng minh với tòa mình có đủ điều kiện trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Do đó nhiều nơi, nhiều cán bộ trong ngành cũng còn lung túng, chưa áp dụng.
Một thẩm phán tòa cấp huyện tại TP.HCM cho biết đang rất lúng túng trong vấn đề này khi có trường hợp đương sự nhờ một người quen bảo vệ quyền lợi cho mình trong vụ kiện dân sự.
Trường hợp này, theo ông Đỗ Đức Vĩnh - KSV cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM: “Luật đã quy định rồi mà tòa không chấp nhận thì tòa vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Dù chưa có văn bản hướng dẫn đi chăng nữa thì tòa án cũng vẫn phải làm thủ tục chấp nhận cho người ta”.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Luận - Chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho rằng dù TAND Tối cao chưa có hướng dẫn nhưng Luật đã quy định thì tòa phải xem xét yêu cầu của đương sự và chấp nhận để công dân được tham gia bảo vệ quyền lợi trong vụ án nếu đáp ứng các quy định của Luật.
Như vậy, ngoài giấy mời của đương sự thì công dân phải có bản xác minh lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi công dân đăng ký hộ khẩu thường trú cung cấp.
Còn nhiều e ngại
Có thể nói đây là một sự tiến bộ của Bộ luật TTDS nhằm giảm áp lực trước thực tế thiếu luật sư tham gia tất cả các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, hôn nhân gia đình… như hiện nay.
Thế nhưng theo luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sẽ phát sinh nhiều hệ quả khó lường từ việc mời công dân tham gia phiên tòa như một luật sư.
Luật sư hoạt động thì chịu sự chi phối của Luật Luật sư và những quy chế của các Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Trong đó có những quy định về đạo đức, ứng xử của luật sư với khách hàng, với đồng nghiệp và các cơ quan tố tụng.
Đơn giản như những việc cấm luật sư không được làm nếu luật sư làm thì có thể phải chịu những trách nhiệm rất nặng nề.
Nhưng đối với công dân, ngoài sự ràng buộc của “hợp đồng” dân sự được ký giữa đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ không chịu ràng buộc nào hết. Bởi vậy, nếu xảy ra tranh chấp thì cũng là tranh chấp dân sự.
"Còn những vấn đề về vi phạm đạo đức thì không thể điều chỉnh”, Luật sư Tâm đặt vấn đề.
Tương tự, một thẩm phán TAND TP.HCM cũng lo lắng khi cho rằng nhiều luật sư được cấp thẻ hẳn hoi mà khi ra tòa còn lúng túng với các quy định về tố tụng.
Nếu công dân không được nghiên cứu, hoặc nghiên cứu sơ sài về những quy định này thì khi ra tòa thẩm phán chủ tọa sẽ rất vất vả trong việc hướng dẫn người đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Có ý kiến về vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đề xuất, nếu để công dân cũng có quyền bào chữa cho bị can, bị cáo như luật sư thì cơ quan Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần phải xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ bào chữa viên nhân dân.
Bởi theo luật sư Hoài, những công dân tham gia với vai trò như một luật sư có chung hạn chế là chưa được học tập và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp cũng như không bị chi phối bởi bất cứ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nào.
Bộ hồ sơ mà công dân đăng ký làm người bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự gồm: Đơn đề nghị đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Giấy yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. CMND + Hộ khẩu (có chứng thực sao y). Lý tịch tư pháp do Sở tư pháp cấp. |
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20161216/cong-dan-cung-duoc-bao-chua-tai-toa-nhu-luat-su/1236598.html