Sắp khép lại năm 2015, mời các mem Dân Luật cùng mình nhìn lại top các văn bản pháp luật khó đỡ nhất được ban hành trong năm 2015.
1 là hướng dẫn hành kinh và vắt sữa mẹ
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút và tối thiểu 03 ngày trong tháng, thời gian nghỉ này lao động nữ thỏa thuận với người sử dụng lao động và vẫn được hưởng lương đầy đủ theo hợp đồng lao động.
=> Có bao nhiêu lao động nữ dám xin phép nghỉ vì lý do hành kinh này, đặc biệt là xin phép “sếp nam”? Lỡ như lao động nữ khai gian thì đâu là cơ chế kiểm soát? Chẳng nhẽ lại bắt tụt…
Còn lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi và thời gian nghỉ này vẫn được đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Khuyến khích lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Phía người sử dụng lao động phải bố trí phòng vắt, trữ sữa mẹ cho lao động nữ.
=> Có bao nhiêu lao động nữ nuôi con từ trên 12 tháng tuổi có nhu cầu vắt sữa cho con bú?
Mà khoa học khuyến khích cho con bú 06 tháng đầu vì còn nhiều chất dinh dưỡng, càng về sau thì càng ít và tiến dần về 0, vậy khuyến khích lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên cho con bú có phản khoa học?
(Theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP)
2 là hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh
Đó là các văn bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh:
- Sản phụ khoa. (Quyết định 315/QĐ-BYT).
- Các bệnh về mắt (Quyết định 40/QĐ-BYT)
- Các bệnh lý về huyết học (Quyết định 1494/QĐ-BYT)
- Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Quyết định 2866/QĐ-BYT)
- Bệnh lao (Quyết định 4263/QĐ-BYT)
- Răng Hàm Mặt (Quyết định 3108/QĐ-BYT)
- Một số bệnh thường gặp ở trẻ em (Quyết định 3312/QĐ-BYT)
Ngoài các bệnh thì có hướng dẫn chẩn đoán và xử lý trong các trường hợp:
- Ngộ độc (Quyết định 3610/QĐ-BYT)
- Hồi sức tích cực (Quyết định 1493/QĐ-BYT)
Hết hướng dẫn và điều trị chuyển sang hướng dẫn sử dụng thuốc:
- Kháng sinh (Quyết định 708/QĐ-BYT)
- Thuốc đông y, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền (Thông tư 05/2015/TT-BYT)
=> Bộ Y tế quá chu đáo hướng dẫn tường tận cách chẩn đoán các bệnh và cách điều trị, nhưng liệu trên thực tế có bao nhiêu người dân được tiếp cận các văn bản này?
Và một vấn đề đặt ra nữa là chu đáo như vậy, nhưng tại sao tỷ lệ người mắc bệnh ung thư Việt Nam lại đứng top đầu thế giới? Phải chăng đây là chỉ cách giải quyết ở phần ngọn, chưa giải quyết ở phần gốc?
3 là hành khách không phải lúc nào cũng là thượng đế!
Đó là những hành khách sử dụng dịch vụ hàng không, nếu có hành vi gây rối, phát ngôn đe doạn sử dụng bom, mìn, chất phóng xạ, vật liệu nổ hoặc tung tin sai về việc có bom, mìn hoặc sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay sẽ bị cấm bay từ 03 đến 12 tháng.
Trường hợp hành khách gây bạo loạn tại sân bay thì sẽ bị cấm bay vĩnh viễn.
=> Thế nào được xem là hành vi gây rối? Ví dụ như có những trường hợp “giận quá mất khôn” vì những hành vi của các bộ phận tại sân bay thì có được xem là gây rối không?
Thế mới thấy, khách hàng không phải lúc nào cũng là thượng đế, lớ quớ cái là bị cấm bay. =,=
(Theo Nghị định 92/2015/NĐ-CP)
4 là đất ta có thể bị tổ chức nước ngoài chiếm?
Trước đây, quy định về sở hữu nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có phần hạn chế nhiều, từ khi mở cửa tham gia các Hiệp định thương mại…thì chúng ta bắt đầu thay đổi một số chính sách nhằm nới lỏng cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP: trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không ghi thời hạn thì trong Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu cũng được ghi không thời hạn.
=> Như vậy, tổ chức nước ngoài vẫn có cơ hội sở hữu nhà ở vô thời hạn? Liệu họ sẽ dùng kẻ hở này để chiếm đất của ta?
5 là sinh viên xếp loại rèn luyện yếu, kém có thể bị buộc thôi học
Cụ thể, sinh viên bị xếp loại rèn luyện yếu, kém trong 02 học kỳ liên tiếp phải tạm ngừng học ít nhất 01 học kỳ ở học kỳ tiếp theo.
Nếu bị xếp loại rèn luyện yếu, kém 02 học kỳ liên tiếp lần thứ 02 thì sẽ bị buộc thôi học.
=> Quy định này liệu có hạn chế quyền học tập của sinh viên không? Thực tế, có nhiều sinh viên khi đi học không đạt kết quả tốt nhưng khi làm việc thì lại đạt kết quả tốt, liệu có phương pháp nào khác thay thế phương pháp răn đe này không?
(Theo Thông tư 16/2015/TT-BGDĐT)
6 là sử dụng photocopy màu phải đăng ký?
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động in trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước khi sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký máy với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.
Xem chi tiết hồ sơ đăng ký tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 03/2015/TT-BTTTT.
=> Mục đích đăng ký khi sử dụng máy photocopy màu này để làm gì nhỉ?
Còn văn bản pháp luật nào khó đỡ không ta? Mấy bạn Dân Luật biết thì góp chung với mình nhé
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 18/12/2015 09:12:12 SA
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 17/12/2015 04:46:20 CH