LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Số: 53 /KN-LĐLSVN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2013
|
KIẾN NGHỊ
Về việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Kính gửi: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2013 của Quốc hội về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có công văn số 05/LĐLSVN ngày 15 - 01 - 2013 gửi Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến nay, đã có 46/62 Đoàn luật sư trên toàn quốc góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức các cuộc Hội thảo tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của giới luật sư gửi về Ủy ban theo quy định.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đóng góp của các luật sư trong toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Bản kiến nghị này, trình bày ý kiến chính thức của Liên đoàn góp ý về một số vấn đề cơ bản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), kính trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quan tâm xem xét trong quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn dân, bảo đảm cho bản Hiến pháp sửa đổi được ban hành thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Về tên gọi của Hiến pháp
Đề nghị không dùng tên gọi “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)” như tên gọi của Dự thảo mà nên gọi tên Hiến pháp là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 vì lý do: Trong 124 điều của Hiến pháp sửa đổi, chỉ giữ nguyên 14 điều, bổ sung, sửa đổi 99 điều, xây dựng mới 11 điều. Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi một lần vào năm 2001. Gọi tên Hiến pháp như chúng tôi kiến nghị để đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động lập hiến của Nhà nước ta. Bản Hiến pháp năm 2013 sẽ là một cột mốc lịch sử, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất để nước ta bước vào thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Về bố cục của Hiến pháp
Bố cục của Hiến pháp như Dự thảo với 11 chương là hợp lý. Việc đưa Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Hiến pháp năm 1992 lên vị trí Chương II với tiêu đề “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Dự thảo là phù hợp với tính chất quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân trong xã hội cần được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị đưa Chương IX “Chính quyền địa phương” (tên gọi mới thay cho tên “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” trong Hiến pháp năm 1992) lên vị trí Chương VIII và đưa Chương “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” xuống vị trí Chương IX, với lý do : Các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân là một thể thống nhất trong hệ thống các cơ quan quyền lực và hành chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Bố cục như vậy cho phù hợp với tính thống nhất của hệ thống các cơ quan này.
3. Về sử dụng từ ngữ trong Hiến pháp
Khi các điều khoản của Hiến pháp cần viện dẫn đến các quy định khác của pháp luật, nên thống nhất dùng “do luật quy định”. Các cụm từ “Mọi người”, “Công dân” trong Chương II trong các điều khoản của Dự thảo cũng nên được dùng cho chính xác, phù hợp với khái niệm “Quyền con người” và “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
II. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG NỘI DUNG DỰ THẢO HIẾN PHÁP
1. Về Lời nói đầu
Vấn đề “Chủ quyền nhân dân” phải là tư tưởng xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp. Nhân dân là chủ thể duy nhất và cao nhất của quyền lực. Về tính chất, Hiến pháp phải là một “Khế ước xã hội”, trong đó Nhân dân trao những quyền nhất định cho Nhà nước và có quyền giám sát hoạt động của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó. Lời nói đầu mang tính chất như một Bản Tuyên ngôn của chủ thể quyền lực là Nhân dân. Do đó, không cần viết dài dòng như trong Dự thảo. Trong Lời nói đầu, không cần viện dẫn “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin” như trong các tài liệu của Đảng, mà chỉ dùng cụm từ “ Tư tưởng Hồ Chí Minh” là đủ. Bởi vì, trong nội dung tư tưởng của Bác Hồ đã tiếp thu những tinh hoa, trí tuệ của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Trong Lời nói đầu nên thể hiện: “Hiến pháp do nhân dân lập nên” cho phù hợp với tư tưởng chủ quyền nhân dân đối với Hiến pháp.
2. Về Chương I: Chế độ chính trị
Điều 2 Dự thảo quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, quy định về nền tảng quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình hiện nay là chưa thỏa đáng và chưa tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là đủ.
Chúng tôi đồng ý với việc xác định quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong Điều 4 của Dự thảo vì đây là một thực tế lịch sử khách quan không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, trong khoản 1, chỉ cần xác định “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam” là đủ, mà không cần phải tách ra thành hai vế bằng hai từ “đồng thời” như trong Dự thảo. Cần phải xác định cho rõ Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của toàn dân tộc, “Đảng đã tự mình trở thành Dân tộc” như Mác đã nói.
Khoản 3, Điều 4 cần xác định thêm “Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên” hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Điều quan trọng là, để tránh những tư tưởng tiêu cực về việc Đảng đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật như một số người quan niệm hiện nay, Hiến pháp cần xác định phải có một đạo luật về sự lãnh đạo của Đảng.
3. Về Chương II : Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Việc quy định về “Quyền con người”, “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Dự thảo còn lộn xộn, chưa phân định rõ ràng giữa hai loại quyền này. Về lý luận, Quyền con người là một thuộc tính tự nhiên, vốn có của con người, như Bác Hồ đã viện dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta. Nên sắp xếp lại các điều khoản trong Chương II theo thứ tự hai nhóm “quyền con người” và “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong từng nhóm, nên bố cục theo thứ tự các loại quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… để bảo đảm tính lô gích của tính chất của hai nhóm quyền. Trong các quy định về “Quyền con người” thì cần dùng từ “Mọi người”, còn các quy định về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thì dùng từ “Công dân” cho rõ ràng, không bị nhầm lẫn.
Điều 21 (mới) nên xác định thêm “ Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như trong Tuyên ngôn độc lập đã xác định.
Điều 22(sửa đổi Điều 71) đã bỏ câu:” Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.” Đây là một điều khoản tồn tại xuyên suốt từ Hiến pháp 1946, 1960, 1980 và 1992, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Theo tinh thần sửa Hiến pháp để tăng cường hơn quyền con người, quyền công dân, việc cắt bỏ câu này đã đi ngược lại tinh thần này. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị bổ sung khoản 1, Điều 22 như sau :
Điều 22(sửa đổi, bổ sung Điều 71)
1. “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”
Điều 32 quy định về các quyền tư pháp của con người cần sửa đổi những điểm cụ thể sau đây :
Khoản 1 nên thêm cụm từ “và phải chịu hình phạt” sau cụm từ “Không ai bị coi là có tội”, thành: “ Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Khoản 3 cần quy định thêm về “Người bị tình nghi phạm tội” vào đối tượng được hưởng sự trợ giúp pháp lý của luật sư. Quy định như Dự thảo là chưa đầy đủ quyền được hưởng sự trợ giúp pháp lý của những người có liên quan đến tố tụng hình sự vì: Quyền được tiếp cận và sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư không nên chỉ giới hạn khi có quyết định bắt người tạm giữ hoặc khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can mà ngay cả khi người bị tình nghi phạm tội bị triệu tập, mời lên cơ quan công an do có đơn tố cáo hoặc thông tin tố giác tội phạm, họ phải được quyền mời luật sư tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý ngay từ đầu. Thực trạng hiện nay cho thấy, Cơ quan điều tra các cấp thường từ chối sự có mặt của luật sư trong các hoạt động “tiền tố tụng” rất phổ biến, gây ra sự lo lắng và quan ngại cho những người bị triệu tập, bị câu lưu nhưng lại có đơn “tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra”, bị thu giữ hộ chiếu, hạn chế đi lại… Lý do thường được đưa ra là : vụ án chưa khởi tố, người mới bị tình nghi chưa có tư cách là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nên không cần và cũng không được chấp nhận cho phép luật sư tham gia. Điều này ảnh hưởng đến quyền của những người bị tình nghi phạm tội vì họ không được hưởng sự trợ giúp pháp lý của luật sư ngay từ khi có sự kiện bất lợi là “bị tình nghi” đối với họ. Ngoài ra, cụm từ “trợ giúp pháp lý” trong tiếng Việt hiện nay chỉ áp dụng cho hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, nên đề nghị sửa lại là “tư vấn pháp lý”.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3, Điều 32 như sau:
“3. Người bị tình nghi, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng tư vấn pháp lý của luật sư, có quyền im lặng khi chưa có luật sư tham gia tư vấn pháp lý cho mình”.
4.Về Chương IV : Bảo vệ Tổ Quốc
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Điều 70 quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam” cần được quan tâm và đánh giá lại một cách toàn diện, khách quan. Liên đoàn đề nghị xem xét lại cụm từ này, vì các lý do sau đây:
Một là, Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, từ nhân dân mà ra. Nói cách khác, Đảng viên Đảng cộng sản cũng là con em của nhân dân. Điều 4 đã xác định Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Quy định như Dự thảo sẽ dẫn đến ngộ nhận là Đảng cộng sản Việt Nam là một chủ thể quyền lực tối cao mà lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành và bảo vệ, ngoài việc trung thành với Tổ quốc và nhân dân.
Hai là, quy định như Dự thảo là không phù hợp với đạo lý truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc và Nhân dân. Không nên đặt Đảng lên trên Tổ Quốc và Nhân dân, và không một tổ chức nào, dù là Đảng có thể đứng trên Tổ quốc và Nhân dân.
Ba là, quy định như Dự thảo là đi ngược lại sự khẳng định nguyên tắc về Chủ quyền nhân dân, coi Nhân dân không phải là Chủ thể của quyền lực nữa rồi. Theo quan điểm của Liên đoàn, đánh giá lại Dự thảo quy định nêu trên không phải là việc làm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang như một số ý kiến đề cập đến.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1964) Bác Hồ đã nói: “Quân đội ta trung với Nước, hiếu với Dân”. Lực lượng vũ trang là con em của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, do Nhân dân đùm bọc và nuôi dưỡng. Vì vậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân là đúng với bản chất của lực lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải quy định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam thì theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Điều 70 nên quy định như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.
5. Về Chương VIII: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, (Chúng tôi đề nghị đưa xuống Chương IX)
5.1.Chúng tôi đề nghị thêm cụm từ “Tổ chức luật sư” vào sau cụm từ “Viện kiểm sát nhân dân” trong Dự thảo để thành tên Chương là “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tổ chức luật sư”. Vì lý do sau đây :
Cần xác định Tổ chức luật sư là một “Chủ thể tư pháp” độc lập, tạo thành một cái “Kiềng ba chân” trong tố tụng hình sự như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp mặt làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung của cải cách tư pháp mà chúng ta đang tiến hành.
Việc ghi nhận vị trí, vai trò của chế định luật sư trong Dự thảo Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tổ chức luật sư và luật sư không chỉ là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, mà còn nhằm thực hiện chức năng xã hội của luật sư đã được ghi nhận trong Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật luật sư năm 2006 là “hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Mặt khác, xét về bản chất, thì chức năng bào chữa tồn tại độc lập và đối trọng với chức năng buộc tội như một tất yếu khách quan, tự thân của tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền. Việc giới hạn hoạt động nghề nghiệp luật sư bằng cách phân loại vào phạm trù “hoạt động bổ trợ tư pháp” như quan niệm trước đây, vô hình trung đã làm giảm nhẹ ý nghĩa và các giá trị xã hội mà nghề nghiệp này đóng góp vào quá trình phát triển dân chủ nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.
5.2. Chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ “ Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa” vào khoản 5, Điều 108 trong Dự thảo, thành quy định mới như sau: “Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.Vì lý do sau đây :
Trong thực tế xét xử, nhiều quan điểm, đề xuất chứng cứ và kết quả tranh tụng của luật sư tại phiên tòa không được ghi nhận trong bản án, hoặc bị bác bỏ nhưng không nêu rõ căn cứ pháp lý, dẫn đến nhiều quyết định của Hội đồng xét xử thiếu tính thuyết phục, thậm chí bị coi là đã được ấn định từ trước, dẫn đến phiên tòa mang tính hình thức, không phải là một cuộc điều tra công khai, có ý nghĩa quyết định kết quả của vụ án.
Việc bổ sung cụm từ “ Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa” là hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
5.3 Khoản 7, Điều 108 Dự thảo quy định: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.
Liên đoàn Luật sư Việt nam đề nghị bỏ hai cụm từ: “hoặc người khác” trong khoản 7, Điều 108 Dự thảo vì lý do:
- Về nguyên tắc, chỉ có luật sư mới có đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để giúp bị can, bị cáo, các đương sụ khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013) thì ngay cả những người đang tập sự hành nghề luật sư cũng không được đại diện, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
5.4 Điều 108, khoản 7 trong Dự thảo lần này đã bỏ đi một nội dung rất quan trọng trong Điều 132 Hiến pháp năm 1992 là “Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Mặc dù hiện nay đã có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư quy định, nhưng việc hiến định chế định luật sư trong Hiến pháp là một vấn đề cực kỳ quan trọng, không thể thiếu được.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung trong Dự thảo một điều mới về chế định luật sư sau Điều 114 quy định về Viện kiểm sát nhân dân, thành Điều 115 với tên gọi và nội dung cụ thể như sau :
“Điều 115 (mới)
Tổ chức luật sư có chức năng đảm bảo và duy trì các chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp luật sư để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư thực hiện theo quy định của pháp luật”.
6.Về Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Kiểm toán nhà nước
6.1.Việc Dự thảo dành một điều mới (Điều 120) để quy định về Hội đồng Hiến pháp là cần thiết, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu bảo vệ Hiến pháp với ý nghĩa là Đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật nước ta.
Tuy nhiên, quy định như trong Dự thảo trao cho Hội đồng này quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng lại không có quyền phán quyết, hủy bỏ những văn bản vi hiến của các cơ quan này, chỉ có quyền kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hủy bỏ. Như vậy là việc quy định về Hội đồng Hiến pháp chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền.
Chúng tôi đề nghị Dự thảo cần quy định cho Hội đồng Hiến pháp có quyền hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Hiến pháp để thể hiện tính chất quan trọng của tổ chức bảo hiến này.
6.2. Việc quy định Điều 121 (mới) về Hội đồng bầu cử Quốc gia là không cần thiết, vì Hội đồng này không hoạt động thường xuyên, chỉ hoạt động trong các kỳ bẩu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc thành lập Hội đồng này và phải có Luật về tổ chức và hoạt động của nó là là không phù hợp với thực tế bầu cử từ trước đến nay.
Trên đây là 06 vấn đề cơ bản Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị, kính trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trân trọng kính chào.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch nước;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Chủ tịch Quốc hội;
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương;
- Bộ Tư pháp;
- Các Phó CT, Ủy viên Thường vụ, Ủy viên HĐLSTQ
- Lưu: VT- LĐLSVN
|
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Luật sư Lê Thúc Anh
|