Tổng hợp trả lời vướng mắc trong tạm giữ, tạm giam 2018

Chủ đề   RSS   
  • #487700 22/03/2018

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Tổng hợp trả lời vướng mắc trong tạm giữ, tạm giam 2018

    1. Trình tự, thủ tục trong tạm giữ, tạm giam

    Câu 1: Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “…Thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam …”, trên thực tế các cơ sở giam giữ không thể thực hiện đúng thời hạn thông báo vì thời hạn tạm giữ ngắn, dẫn đến vi phạm rất phổ biến; cơ sở giam giữ thường đôn đốc, trao đổi qua điện thoại với cơ quan đang thụ lý vụ án việc sắp hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam.(Tây Ninh, Đà Nẵng)

    Trả lời: Theo điểm h Khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, việc thông báo sắp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam phải bằng văn bản. Nếu cơ sở giam giữ không thực hiện thì Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị. Khi thời hạn tạm giữ, tam giam theo luật định đã hết thì phải làm rõ nguyên nhân trách nhiêm và áp dụng biện pháp để loại trừ vi pham.

     Câu 2: Điều 23 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: (a) Cảnh cáo; (b) Cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 ngày đến 02 ngày và có thể bị gia hạn đến 02 ngày đối với người bị tạm giữ; cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 ngày đến 07 ngày và có thể bị gia hạn đến 10 ngày đối với người bị tạm giam. Thời hạn cách ly không quá thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.

    Trong quá trình cách ly nếu người vi phạm kỷ luật có biểu hiện tiêu cực thì phải chịu thêm hình thức kỷ luật cùm một chân nhằm bảo vệ an toàn cho sức khỏe người bị cách ly và cho người khác. Tuy nhiên trên thực tế trong thiết kế xây dựng nhà tạm giữ theo quy chuẩn của Bộ Công an hiện nay không xây dựng hệ thống kỷ luật cùm một chân, điều này gây khó khăn cho Nhà tạm giữ trong quá trình quản lý, giáo dục can bị can.

    Việc điều luật không cho phép cùm chân đối với người dưới 18 tuổi vẫn còn bất cập. Thực tế độ tuổi dưới 18 là độ tuổi còn chưa chính chắn. Do đó nguy cơ gây hại cho bản thân và cho người khác cao hơn người đã thành niên nên cần thiết phải áp dụng hình thức kỷ luật cách ly và cùm một chân nếu có thêm hành vi tiêu cực. (Khánh Hòa, Cà Mau)

    Trả lời: Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Thông tư số 35/2017/TT-BCA ngày 19 tháng 9 năm 2017 Quy định danh mục và quản lý các công trình xây dựng nhà tạm giữ, trại tạm giam trong Công an nhân dân có hạng mục công trình giam giữ gồm: nhà hoặc buồng kỷ luật. Do vậy từ ngày 01/01/2018, khi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có hiệu lực thi hành, trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện nhà tạm giữ không có buồng kỷ luật thì căn cứ theo Khoản 1 Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định có liên quan, Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị yêu cầu nhà tạm giữ hoặc cơ quan quản lý giam giữ đầu tư, xây dựng theo đúng các quy định của pháp luật.

    - Cùm một chân không phải là một hình thức kỉ luật mà chỉ khi "Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân” quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

    - Luật không quy định cùm chân đối với người dưới 18 tuổi khi vi phạm kỷ luật. Do vậy, nếu phát hiện thấy vi phạm Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

    Câu 3: Khoản 1,3 Điều 43 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Kháng nghị quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 42 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị…, Quy định này chưa phù hợp nhằm đảm bảo cho việc khắc phục ngay vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền của người bị giam giữ. Bởi tại điểm b Khoản 1 Điều 23 của Luật này quy định: Cách ly ở buồng kỷ luật từ 01 đến 02 ngày và có thể gia hạn đến 02 ngày…Cách ly ở buồng kỷ luật từ 03 đến 07 ngày và có thể gia hạn đến 10 ngày…

    Như vậy nếu trong trường hợp do người có thẩm quyền nhận thức chưa chính xác về mức độ vi phạm, trả thù cá nhân hoặc có dấu hiệu dùng nhục hình kéo dài 15 ngày sau mới được giải quyết kể từ ngày nhận được kháng nghị, thì quyền của người bị giam giữ đã bị xâm hại và không đảm bảo nguyên tắc khắc phục ngay vi phạm (Cao Bằng).

    Trả lời: Trong khi thực hiện chức năng kiểm sát việc thi hành tạm giữ, tạm giam, nếu phát hiện vi phạm Viện kiểm sát có quyền Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật”.

    Như vậy, thời hạn thực hiện kháng nghị khi nhận phải được thực hiện ngay khi nhận được kháng nghị để chấm dứt vi phạm trong tạm giữ, tạm giam, không nhất thiết phải để thời hạn tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhận kháng nghị mới thực hiện( Khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, cơ sở giam giữ phải tổ chức nghiên cứu, chấm dứt vi phạm để hạn chế thấp nhất việc xâm phạm đến quyền, lợi ích của người bị tạm giữ, người bị tạm giam) nếu không chấm dứt mà để hậu quả xảy ra thì cơ sở giam giữ sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị để đảm bảo quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, người bị tạm giam không bị xâm phạm, đảm bảo chế độ quản lý đúng theo quy định của pháp luật.

    Câu 4: Điều 277 Bộ luật TTHS năm 2017 quy định: Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 30 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là 45 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 02 tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 03 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 278 lại quy định: Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết; nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra Lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa, nhưng không quy định thời hạn tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa là bao lâu? Do đó, nhiều trường hợp Hội đồng xét xử của Tòa án ra Lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa nhưng thời gian kéo dài đến 05 – 06 tháng, vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử nêu trên. Trong khi đó, khoản 2 Điều 278 quy định: Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này. Việc tạm giam kéo dài nêu trên có vi phạm không (có vi phạm điều 277)? Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho công tác qu­ản lý tạm giam giữ của Trại tạm giam và công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát; khi phát hiện Viện kiểm sát không biết xử lý thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.(Quảng Ngãi)

    Trả lời: Trong thời hạn xét xử nêu trên được tính là kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

    Trường hợp ra Quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa chỉ được thực hiện khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử và thẩm quyền ra quyết định tạm giam thuộc về Chánh án (Phó Chánh án) hoặc Hội đồng xét xử. Trong quá trình kiểm sát mà phát hiện vi phạm thì Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị vi phạm về thời hạn xét xử và ra quyết định tạm giam tạm giam kéo dài không đúng quy định của pháp luật.

    Câu 5: Khoản 3, Điều 347 Bộ luật Tổ tụng hình sự năm 2015 quy định: Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc thi hành án ... Thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên điều luật không quy định rõ đối với bị cáo đang bị tạm giam đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam vẫn còn, thì khi kết thúc phiên tòa Hội đồng xét xử có phải ra Quyết định tạm giam 45 ngày đế đảm bảo việc thi hành án không? (Cà Mau)

    Trả lời: Theo Khoản 3, Điều 347 Bộ luật Tổ tụng hình sự và Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định khi kết thúc phiên tòa, thời hạn tạm giam đã hết hoặc đang còn nhưng không đủ để bảo đảm việc thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam với thời hạn như sau: “nếu thời hạn hình phạt tù còn lại từ 45 ngày trở lên thì thời hạn tạm giam là 45 ngày (bốn mươi lăm ngày); nếu thời hạn hình phạt tù còn lại dưới 45 ngày thì thời hạn tạm giam bằng thời hạn hình phạt tù còn lại”.

    Nếu thời hạn tạm giam trước đó còn lại lớn hơn hoặc bằng 45 ngày thì sau khi xét xử, Tòa án không phải ra quyết định tạm giam tiếp theo.

    Nếu Hội đồng xét xử không ra QĐTG để đảm bảo thi hành án, không gửi bản án, quyết định thi hành án theo đúng thời hạn luật định, VKS cần kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, đồng thời báo cáo VKS cấp trên để tổng hợp, theo dõi.

    Câu 6:  Khoản 4 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định ‘Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam’. Đề nghị hướng dẫn cách trừ thời gian tạm giữ trong trường hợp bị can tiếp tục được áp dụng biện pháp tạm giam (Bắc Ninh)

    Trả lời: Cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và chú ý cách ghi thời hạn tạm giam không được trùm lên thời hạn tạm giữ trong trường hợp trước đó bị can đã bị tạm giữ. Ví dụ : Nguyễn Văn A bị tạm giữ từ 10h ngày 3/4/2017 đến 10h ngày 6/4/2017, ngày 5/4/2017 CQCSĐT đã khởi tố và ra lệnh tạm giam (2 tháng), thì trong lệnh tạm giam phải ghi thời hạn tạm giam là 57 ngày, kể từ ngày 6/4/2017.

    Câu 7: Hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ việc Lệnh tạm giam phải gửi (hoặc tống đạt) cho bị can, bị cáo như thế nào? (Trực tiếp, qua bưu điện, qua trại tạm giam, hay như thế nào) và phải tới tay bị can, bị cáo khi nào? (Hải Dương)

    Trả lời: Điều 132 BLTTHS 2015 quy định việc gửi, tống đạt lệnh, quyết định tạm giam cho bị can, bị cáo sẽ được thực thiện theo quy định tại các điều 137, 138, 139 BLTTHS 2015. Để việc tạm giam đúng quy định, thời điểm bị can, bị cáo phải nhận được lệnh, quyết định tạm giam tiếp theo trước khi hết thời hạn tạm giam của lệnh, quyết định tạm giam cũ (chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn lệnh, quyết định tạm giam cũ). Trong khi thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện vi phạm về việc giam giữ không có lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì kháng, kiến nghị theo quy định của pháp luật(việc thực hiện tống đạt lệnh do cán bộ được phân công có trách nhiệm thực hiên bằng hình thức nào tùy điều kiện cụ thể nhưng đúng ngày hết lệnh, trại giam nơi giam giữ phải tiếp nhận được lệnh giam).

    Câu 8: Khoản 3, Điều 118 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong khi tạm giữ, nếu không có căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ”. Tuy nhiên luật lại không quy định thẩm quyền trả tự do và thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ như trong trường hợp tạm giam. Như vậy nếu phải trả tự do cho người bị tạm giữ thì ai có quyền trả tự do cho họ (người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ là người có thẩm quyền ra lệnh trả tự do hay là một chủ thể khác), (Khánh Hòa, Hậu Giang)

    Trả lời: Trong khi tạm giữ, nếu không có căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ. Thẩm quyền trả tự do được quy định như sau: Nếu trong giai đoạn tạm giữ (chưa gia hạn tạm giữ), Cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao một số nhiệm vụ điều tra phải trả tự do cho người bị tạm giữ. Trường hợp VKS đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ thì thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ và trả tự do cho người bị tạm giữ thuộc về VKS.

    Câu 9: Việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ trong từng trường hợp cụ thể? (Nghệ An, Hà Nội, Cà Mau).

    Trả lời: Khoản 1 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ trong 03 trường hợp: (1) kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt (2) hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình (3) hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

    Viện kiểm sát cần căn cứ theo quy định trên, kiểm tra báo cáo bắt giữ, biên bản bắt giữ và các tài liệu có liên quan để kiểm sát chặt chẽ việc tính thời hạn tạm giữ, đảm bảo quyền và lợi ích của người bị tạm giữ không bị xâm phạm.

    Câu 10: Điều 16 Luật thi hành tạm giữ tạm giam năm 2015 quy định:  “Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cơ sở giam giữ có  trách nhiệm: … (2). Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe…” Ngay khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam cơ sở giam giữ phải tổ chức khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam để có cơ sở phân loại giam giữ. Nhưng hiện nay hầu hết các nhà tạm giữ không có cán bộ y tế chuyên trách nên cơ bản là kiểm tra các dấu vết bên ngoài, không thể xác định được người bị tạm giữ, tạm giam có bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người đồng tính hay chuyển giới để phân loại giam, giữ riêng (Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế)

    Trả lời: Việc thực hiện khám sức khỏe và các thủ tục để tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BCA ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời tại Điều 4 Thông tư 35/2017/TT-BCA ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an có quy định về các công trình phục vụ khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.    Việc khám sức khỏe phải được thực hiện ngay khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Do vậy, khi tiến hành kiểm sát cần xác định cơ sở giam giữ có thực theo đúng quy định? Có Bệnh xá đối với trại tạm giam và buồng y tế đối với nhà tạm giữ hay không? Khi kiểm sát nhà tạm giữ không thực hiện đúng quy định về công tác y tế( chưa có cán bộ làm công tác y tế hoặc không khám sức khỏe, không kiểm tra thân thể khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam) thi ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục nhằm đảm bảo chế độ quản lý giam giữ.

    Câu 11: Khoản 3 Điều 16 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm:“Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam;”. Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn lập danh bản, chỉ bản, do vậy có những trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam ở  cơ sở giam giữ trong thời gian dài nhưng chưa tiến hành lập danh bản, chỉ bản (Hải Phòng,Quảng Ninh).

    Trả lời: Thời điểm lập danh bản, chỉ bản được quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cơ sở giam giữ phải khẩn trương kịp thời lập danh bản, chỉ bản để đảm bảo chế độ quản lý giam giữ. Nếu để kéo dài không lập danh chỉ bản thì Viện kiểm sát cần làm rõ nguyên nhân trách nhiệm và kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

    Câu 12: Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam. Quy định cụ thể tại điểm a, b, c, d thì tại điểm đ Điều 17 có quy định " Tài liệu khác có liên quan" thì đó là tài liệu gì? quy định này dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan hoạt động tố tụng hình sự và hệ lụy của nó là không cung cấp đầy đủ, hoặc không cung cấp các tài liệu khác cho cơ quan quản lý giam giữ (Cao Bằng)

    Trả lời: Tài liệu khác có liên quan được hiểu là các tài liệu đi kèm theo hồ sơ, phản ánh tình trạng, nhân thân người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc các tài liệu mới, phát sinh trong quá trình giam giữ nhằm mục đích giam giữ đúng người, đúng pháp luật. Viện kiểm sát khi kiểm sát hồ sơ giam giữ phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định nêu trên và những tài liệu cần thiết khác( nếu có) phục vụ cho việc quản lý giam giữ,

    Câu 13: Khoản 1, 2 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định đối tượng được phân loại quản lý, bố trí theo khu như sau:  “ (1)…(c), Người dưới 18 tuổi;(m), Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh”. (2). Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử”.

    Tuy nhiên, khó bố trí cho ở buồng riêng cho các đối tượng này vì trên thực tế chỉ có một đến hai trường hợp mắc bệnh hoặc người dưới 18 tuổi, nếu ở riêng buồng rất khó khăn trong việc quản lý, theo dõi hoặc dễ xảy ra trường hợp tự sát.

    Hiện nay, số lượng người thực hiện hành vi phạm tội ngày càng gia tăng cả về số vụ và số người tham gia trong cùng một vụ, trong đó có những vụ án có số lượng bị can rất đông, cơ sở hạ tầng của Nhà tạm giữ không đủ đảm bảo để thực hiện việc giam giữ theo đúng quy định. Do vậy có trường hợp phải giam giữ chung những người trong cùng một vụ án dễ xảy ra tình trạng thông cung gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử (Đồng Nai, Ninh Bình, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Cao Bằng, Kiên Giang, Hải Phòng)

    Trả lời: Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Việc xác định các căn cứ cho việc phân loại giam giữ, cơ sở giam giữ phải phối hợp với cơ quan thụ lý vụ án và ra quyết định bằng văn bản trong những trường hợp giam giữ chung.

    Điều 3 Thông tư 22/2016/TT-BCA ngày 16/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an và Điều 4 Thông tư 33/2017/TT-BCA 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an có nêu việc tổ chức quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam, đề xuất phân loại giam giữ, việc giám sát cũng như xây dựng kế hoạch giáo dục chung, giáo dục riêng với người bị tạm giữ, tạm giam sao cho đúng pháp luật và phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi, độ tuổi…; Vì vậy, khi tiến hành Viện kiểm sát cần phải kiểm tra các tài liệu, căn cứ để phân loại giam giữ theo Khoản 1 Điều 18 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các tài liệu khác có liên quan. Nếu phát hiện vi phạm, VKS cần kiến nghị, kháng nghị theo quy định.

    Việc cơ sở giam giữ trình bày khó khăn nêu trên, Viện kiểm sát cần yêu cầu cơ sở giam giữ báo cáo đến cơ quan cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm. Nếu cơ sở giam giữ không khắc phục được, Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý giam giữ về việc đầu tư, nâng cấp cơ sở giam giữ, sau đó, tổng hợp báo cáo vi phạm phổ biến kéo dài đến VKS cấp trên trực tiếp để theo chế độ thông tin báo cáo của Ngành.

    Câu 14 Điều 18 quy định về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thì người đang chờ chấp hành án phạt tù được phân loại giam riêng. Trong khi đó Điều 14 quy định cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam, thì Nhà tạm giữ không có buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù (Phú Yên).

    Trả lời: Thông tư số 35/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng BCA quy định danh mục các công trình xây dựng nhà tạm giữ có “Buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù”.

    Câu 15: Các trường hợp trích xuất và trách nhiệm khi có vấn đề rủi ro phát sinh từ việc đưa người ra khỏi buồng tạm giữ, tạm giam thì thủ tục đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ như thế nào? (Hải Phòng,Cần Thơ, Đắk Nông)

    Trả lời: Khi kiểm sát việc thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam cần căn cứ vào các quy định tại Điều 20 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Điều 5 Thông tư số 33/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng BCA.

    Điều 7, 8 và Điều 13 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23 tháng 01 năm 2018 của liên ngành quy định chi tiết về phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi trích xuất để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;  Điều 14  quy định việc phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi đưa đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ và giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần( Đảm bảo việc trích xuất đúng thẩm quyền và biên bản bàn giao cho người tiếp nhận, khi hết thời hạn trích xuất phải có biên bản tiếp nhận đúng thời hạn).

    ...

    Mời các bạn tiếp tục xem tại file đính kèm. 

     
    16265 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn trang_u vì bài viết hữu ích
    tthl (11/01/2019) Tranhuongthao79 (28/09/2018)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận