1. Quy định lại đối tượng áp dụng
Đó là quy chuẩn này áp dụng đối với người tham gia giao thông trên mạng lưới đường bộ của Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng, bảo vệ, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
(Căn cứ Điều 2 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
2. Quy định rõ thế nào là đường cao tốc
So với Quy chuẩn 41:2012/BGTVT thì Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định rõ hơn:
Đường cao tốc (ĐCT) là đường dành riêng cho xe ôtô và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, có dải phân cách phân chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt mà dải phân cách này xe không đi được lên trên; không giao nhau cùng mức với một hoặc một số đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
(Căn cứ Khoản 3.1 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
3. Bổ sung định nghĩa “đường qua khu đông dân cư”
Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).
(Căn cứ Khoản 3.7 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
4. Làm rõ khái niệm “đường dành riêng cho các loại phương tiện cơ giới”
Đường dành riêng cho các loại phương tiện cơ giới là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường dành riêng cho phương tiện cơ giới lưu thông, tách biệt với phần đường dành riêng cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ bằng dải phân cách hoặc vạch sơn dọc liền và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.
(Căn cứ Khoản 3.10 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
5. Bổ sung định nghĩa “đường dành riêng cho một số loại phương tiện”
Đường dành riêng cho một số loại phương tiện là tuyến đường, phần đường hoặc làn đường dành riêng cho một hoặc một vài loại phương tiện được lưu thông tách biệt với phần đường cho các phương tiện khác và được chỉ dẫn bằng biển báo hiệu hoặc vạch sơn.
(Căn cứ Khoản 3.11 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
6. Bổ sung định nghĩa “Làn đường ưu tiên”
Làn đường ưu tiên là làn đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được quy định là ưu tiên sẽ được các phương tiện khác nhường đường khi cùng tham gia giao thông.
(Căn cứ Khoản 3.14 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
7. Phân biệt bằng vạch sơn thì không phải là đường đôi
Trước đây, đường đôi là để chỉ những đường mà chiều đi và về được phân biệt bằng dải phân cách hoặc cách vạch dọc liền, tuy nhiên, theo Quy chuẩn 41:2016/BGTVT thì trường hợp được phân biệt bằng vạch sơn không được xem là đường đôi.
(Căn cứ Khoản 3.18 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
8. Bổ sung khái niệm “Phần đường dành cho xe cơ giới”
Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại.
(Căn cứ Khoản 3.20 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
9. Bổ sung khái niệm “Phần đường dành cho xe thô sơ”
Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.
(Căn cứ Khoản 3.21 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
10. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường
Nội dung này được bổ sung vào khái niệm “làn đường”.
(Căn cứ Khoản 3.22 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
11. Nhấn mạnh dải phân cách là một bộ phận của đường mà xe không chạy trên đó đựơc
Nội dung này được bổ sung vào khái niệm “dải phân cách”
(Căn cứ Khoản 3.23 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
12. Làm rõ khái niệm “nơi đường giao nhau”
So với Quy chuẩn 41:2012/BGTVT thì Quy chuẩn 41:2016/BGTVT nói rõ hơn về khái niệm này:
Nơi đường giao nhau là nơi hai hay nhiều đường giao nhau hoặc giao nhau với đường sắt trên cùng một mặt phẳng; nơi đường giao nhau không phải là nơi các đường bộ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào các khu đất lân cận trừ khi được cấp có thẩm quyền quy định là nơi đường giao nhau.
(Căn cứ Khoản 3.24 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
13. Giải thích rõ hơn khái niệm “xe cơ giới”
Xe cơ giới là chỉ các loại xe ôtô; máy kéo; rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ôtô; xe máy 2 bánh; xe máy 3 bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự được thiết kế để chở người và hàng hóa trên đường bộ. Xe cơ giới bao gồm cả tàu điện bánh lốp (là loại tàu dùng điện nhưng không chạy trên đường ray).
(Căn cứ Khoản 3.25 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
14. Bổ sung các khái niệm liên quan đến “tải trọng”
Thứ nhất, tải trọng bản thân xe:
Là khối lượng của xe, đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t) ở trạng thái tỉnh được ghi theo thông số quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không kể đến khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe.
Thứ hai, tải trọng toàn bộ xe (tổng tải trọng):
Là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
Thứ ba, tải trọng toàn bộ xe cho phép:
Là bằng tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thứ tư, tải trọng trục xe:
Tải trọng trục xe là phần của tải trọng toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
(Căn cứ Khoản 3.26, 3.27, 3.28, 3.29 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
16. Thêm điều kiện được xem là xe ô tô con (hay còn gọi là xe con)
Đó là được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
(Căn cứ Khoản 3.30 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
17. Bổ sung khái niệm “xe bán tải”
Xe bán tải (xe pickup) có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con.
(Căn cứ Khoản 3.31 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
18. Làm rõ khái niệm “ô tô tải”
Ôtô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.500 kg trở lên.
(Căn cứ Khoản 3.32 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
19. Thêm điều kiện được xem là “ô tô khách”
Đó là được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
(Căn cứ Khoản 3.33 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
20. Tách riêng khái niệm “xe buýt”, đồng thời bổ sung cho khái niệm này
Xe buýt là xe ôtô khách có số chỗ ngồi ít hơn số chỗ đứng hoặc là xe ôtô khách được quy định sử dụng vận tải hành khách công cộng.
(Căn cứ Khoản 3.34 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
21. Thêm điều kiện công nhận lả xe mô tô (hay còn gọi là xe máy)
Đó là phải được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
(Căn cứ Khoản 3.39 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
22. Nhấn mạnh xe thô sơ là loại xe không sử dụng động cơ gây ra sức kéo
Xe thô sơ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy, xe đạp điện), xe xích lô, xe súc vật kéo, xe lăn dùng cho người khuyết tật và các loại xe tương tự không sử dụng động cơ gây ra sức kéo.
(Căn cứ Khoản 3.41 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
23. Bổ sung khái niệm “cột cần vươn”
Cột cần vươn là một dạng kết cấu treo biển báo hoặc đèn tín hiệu giao thông dạng cột bên đường có cần vươn ra đường. Cột cần vươn khi cần thiết được dùng cho đường có phần đường dành cho xe cơ giới theo một hướng từ 2 làn xe trở lên; nơi đường có tốc độ xe chạy cao; nơi có nhiều xe tải và xe buýt; nơi bị khuất tầm nhìn hoặc nơi đường có mật độ giao thông cao.
(Căn cứ Khoản 3.50 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
24. Bổ sung khái niệm “tốc độ vận hành”
Tốc độ vận hành là tốc độ mà người lái vận hành chiếc xe của mình.
(Căn cứ Khoản 3.52 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
25. Bổ sung khái niệm “tốc độ thiết kế”
Tốc độ thiết kế là tốc độ được lựa chọn để thiết kế các yếu tố cơ bản của đường trong các điều kiện khó khăn.
(Căn cứ Khoản 3.53 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
26. Bổ sung khái niệm “tốc độ suất tích lũy”
Tốc độ suất tích lũy 85% (V85) là tốc độ vận hành mà ở đó 85% các lái xe vận hành xe chạy từ tốc độ này trở xuống.
(Căn cứ Khoản 3.54 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
27. Bổ sung khái niệm “tốc độ hạn chế tối đa”
Tốc độ hạn chế tối đa là tốc độ lớn nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. Người điều khiển phương tiện không được phép vận hành xe ở tốc độ cao hơn.
(Căn cứ Khoản 3.55 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
28. Bổ sung khái niệm “tốc độ hạn chế tối thiểu”
Tốc độ hạn chế tối thiểu là tốc độ nhỏ nhất trên một tuyến đường, đoạn đường hoặc làn đường được cấp có thẩm quyền quy định. Người điều khiển phương tiện không được phép vận hành xe ở tốc độ nhỏ hơn khi có điều kiện giao thông đảm bảo an toàn cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn.
(Căn cứ Khoản 3.56 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
29. Bổ sung khái niệm “tầm nhìn”
Tầm nhìn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe của một chiếc xe đang chạy đến một vật thể ở phía trước.
(Căn cứ Khoản 3.57 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
30. Bổ sung khái niệm “tầm nhìn dừng xe an toàn”
Tầm nhìn dừng xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy có thể dừng lại an toàn trước một vật thể tỉnh bất ngờ xuất hiện trên cùng một làn đường ở phía trước.
(Căn cứ Khoản 3.58 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
31. Bổ sung khái niệm “tầm nhìn vượt xe an toàn”
Tầm nhìn vượt xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy trên đường 2 làn xe hai chiều có thể vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn cùng chiều bằng cách chiếm dụng làn xe chạy phía chiều ngược lại và quay trở về làn cũ của mình một cách an toàn.
(Căn cứ Khoản 3.59 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
32. Bổ sung khái niệm “vượt phải”
Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
(Căn cứ Khoản 3.60 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
33. Bổ sung khái niệm “xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau”
Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ.
(Căn cứ Khoản 3.61 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
34. Bổ sung khái niệm “nhường đường cho phương tiện khác”
Nhường đường cho phương tiện khác là tình huống giao thông mà phương tiện nhường đường không tiếp tục di chuyển như hiện tại để phương tiện được nhường đường không phải chuyển hướng hoặc phải phanh đột ngột.
(Căn cứ Khoản 3.62 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
35. Bổ sung khái niệm “nút giao thông khác mức liên thông”
Nút giao khác mức liên thông là nơi giao nhau của đường bộ bằng tổ hợp các công trình vượt hoặc chui và nhánh nối mà ở đó cho phép các phương tiện tham gia giao thông chuyển hướng đến đường ở các cao độ khác nhau.
(Căn cứ Khoản 3.63 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
36. Bổ sung khái niệm “nhánh nối”
Nhánh nối là đường dùng để kết nối các hướng đường trong nút giao.
(Căn cứ Khoản 3.64 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
37. Bổ sung khái niệm “lối ra”
Lối ra là nơi các phương tiện tham gia giao thông tách ra khỏi dòng giao thông trên đường chính.
(Căn cứ Khoản 3.65 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
38. Bổ sung khái niệm “lối vào”
Lối vào là nơi các phương tiện tham gia giao thông nhập vào dòng giao thông trên đường chính.
(Căn cứ Khoản 3.66 Điều 3 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT)
Còn nữa...