Trong hoạt động kinh doanh,doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng thuế (gián thu) đối với hàng hoá, dịch vụ cho Nhà nước. Trong các chứng từ liên quan đến lĩnh vực thuế và kế toán của doanh nghiệp thì hoá đơn thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là hoá đơn GTGT) hay hoá đơn đỏ giữ vai trò quan trọng.
Hóa đơn GTGT là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn GTGT là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động như bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa; vận tải quốc tế; xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài,…
Tại sao cần thiết phải có hóa đơn GTGT?
Dựa trên hóa đơn GTGT, doanh nghiệp có thể tổng hợp được số thuế cần nộp, thông qua đó có thể giảm được những phiền toái không đáng trong hoạt động kinh doanh.
Phân loại hoá đơn GTGT
Hoá đơn GTGT đầu ra, được lập ngay khi doanh nghiệp bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo đúng quy định và giao cho khách hàng. Trường hợp lập thiếu hoá đơn phải bổ sung và kê khai thuế để nộp.
Hoá đơn GTGT đầu vào, về nguyên tắc để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì hoá đơn có giá trị 20 triệu đồng trở lên phải chuyển qua ngân hàng thanh toán.
Các nội dung bắt buộc phải có trên hoá đơn GTGT
Tên loại hoá đơn; Ký hiệu mẫu số hoá đơn; Ký hiệu hoá đơn; Số thứ tự hoá đơn; Liên hoá đơn; Tên mã số thuế người bán,người mua; Tên hàng hoá, dịch vụ; Tên mã số thuế của tổ chức nhận in hoá đơn, tổ chức cung cấp phần mềm tự in hoá đơn; và các nội dung khác.
Các liên trong hoá đơn
Liên hóa đơn là các tờ trong cùng một số hóa đơn.
Mỗi số hoá đơn phải có từ 2 liên trở lên và tối đa không quá 9 liên, trong đó: Liên 1 (màu tím) dùng để lưu và Liên 2 (màu đỏ) để giao cho khách hàng và Liên 3 (màu xanh) dùng lưu hành nội bộ.
Các hình thức hoá đơn GTGT
Hoá đơn tự in (doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện có thể tự in hoá đơn GTGT), hoá đơn điện tử và hoá đơn đặt in.
Trường hợp không lập hoá đơn GTGT
Các trường hợp bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có giá trị thanh toán dưới 200 ngàn đồng thì không cần lập hoá đơn GTGT, nhưng chỉ cần người mua có yêu cầu thì vẫn phải lập hoá đơn.
Người tiêu dùng cần thiết lấy hoá đơn đỏ
Trước tiên, việc lấy hoá đơn đỏ giúp người tiêu dùng chứng minh bản thân đã mua, sử dụng một loại hàng hoá, dịch vụ nào đó. Việc này cũng nhằm hạn chế được hành vi gian lận thuế, do hoá đơn không lấy bị mang ra mua bán nhằm mục đích trốn thuế.
Đối tượng lập hoá đơn
Những công ty, doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bắt buộc lập hoá đơn thuế GTGT.
Tại sao cần lập hoá đơn GTGT
Hoá đơn GTGT có giá trị pháp lý, đây là cơ sở để doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào.
Các trường hợp được xem là khai khống hóa đơn, không in hóa đơn, xuất nhập hàng khống
Hóa đơn lập khống là hóa đơn được lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ. Không in hoá đơn là trường hợp doanh nghiệp thuộc trường hợp bắt buộc lập hoá đơn giá trị gia tăng nhưng không lập hoá đơn nhằm trốn tránh nghĩa vụ về thuế. Xuất nhập hàng khống là hành vi doanh nghiệp xuất nhập hàng hoá không đúng với khai báo.
Tất cả những hành vi này đều nhằm mục đích trốn thuế tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cụ thể được quy định tại Điều 11 Nghị định 129/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận hoặc phạt tiền gấp nhiều lần tùy theo từng hành vi và mức độ vi phạm được quy định cụ thể trong Nghị định 129.
Thậm chí có thể bị xử lý về hình sự tùy theo mức độ và hành vi sai phạm liên quan đến hóa đơn, cụ thể:
- Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203 BLHS sửa đổi, bổ sung 2017)
- Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 204)
- Tối trốn thuế (Điều 200)
Trên đây chỉ là những tổng hợp cơ bản về hoá đơn GTGT.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!