Chào ngocloan1990!
Về nguyên tắc chung thì theo quy định tại khoản 3 Điều 33 BLTTDS, việc giải quyết các vụ, việc dân sự có yếu tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc chung đó, Điều 412 BLTTDS còn có quy định về việc không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với những trường hợp vụ, việc đã được Tòa án thụ lý đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình giải quyết có sự thay đổi làm cho vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì Tòa án đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết.
Ðiều 412. Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Vụ việc dân sự đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền do Bộ luật này quy định thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài.
Như vậy, chiếu theo quy định tại Điều 412 BLTTDS thì trường hợp bạn nêu, việc Tòa án cấp huyện thụ lý để xét xử sơ thẩm là đúng thẩm quyền vì chưa xuất hiện yếu tố nước ngoài. Do đó việc Tòa án cấp tỉnh thụ lý để xét xử theo thủ tục phúc thẩm khi có kháng cáo cũng đúng thẩm quyền. Trong quá trình chờ xét xử phúc thẩm, do bị đơn chết nên mới xuất hiện yếu tố nước ngoài nên Tòa án cấp tỉnh sẽ tiếp tục xét xử phúc thẩm mà không vi phạm thủ tục tố tụng.
P/S: trao đổi thêm với bạn là kể cả trường hợp Tòa án cấp huyện đang giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm mà bị đơn chết nên xuất hiện yếu tố nước ngoài thì Tòa án cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết chứ không chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp tỉnh. Vấn đề này được hướng dẫn tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP:
Điều 7. Về quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS
1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
2. Đối với yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Hôn nhân và Gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.
3. Tài sản ở nước ngoài
Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
4. Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ởnước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
5. Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án
a) Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS; được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
b) Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền củanước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.
Trân trọng!
Hãy làm tất cả những gì trong phạm vi cho phép và khả năng có thể!