Chào bạn ! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, xét về trách nhiệm, chủ tịch UBND xã là trưởng ban quản lý dự án có trách nhiệm điều hành, quản lý dự án thực hiện đúng tiến độ cũng như chất lượng công trình. Tuy nhiên chủ tịch UBND xã đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình là không trực tiếp đi nghiệm thu công trình, xem xét chất lượng cũng như tiến độ của công trình có đảm bảo không, đồng thời không quản lý, điều hành tốt cấp dưới, các thành viên trong ban quản lý dự án... dẫn đến gây ra hậu quả nghiêm trọng là thiệt hại tài sản của nhà nước gần 500 triệu đồng. Với những hành vi gây thiệt hại mà mình gây ra chủ tịch UBND có thể bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS 1999(sửa đổi, bổ sung 2009).
Còn đối với phó chủ tịch UBND và các thành viên trong ban quản lý dự án đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra chất lượng và tiến độ thi công dự án để báo cáo cho lên cấp trên ,gây hậu quả nghiêm trọng thiệt hại tài sản cho nhà nước nên cũng sẽ không thoát khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu quy định tại Thông tư liên tịch số Số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra nếu:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.
Đối chiếu với điều 285 Bộ luật hình sự 1999(sửa đổi bổ sung 2009) quy định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều 285 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
"1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm."
Thứ hai, Theo quy định tại điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự quy định các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự như sau:
"Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu của tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;
5. Người phạm tội tự thú.”
Như vậy, khi nhận được tố giác của công dân, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải kiểm tra xác định có dấu hiệu tội phạm hay không và có những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay không.
Đồng thời, theo quy định tại điều 25 Bộ luật hình sự 1999(sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về miễn trách nhiệm hình sự:
"1.Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
2. Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
3. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá."
Như vậy, vụ việc này không thuộc các trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 điều 46 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự " Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" vì đã trả lại số tiền 250 triệu đã chiếm đoạt.
Cơ quan công an trả lời"Chủ đầu tư đã nộp lại số tiền thì không đủ căn cứ để tiến hành khởi tố vụ án". là sai.
Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi, nếu còn thắc mắc bạn vui lòng liên hệ :
Chuyên viên tư vấn : Nguyễn Thị Liên.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.