Chào anh Phòng,
Dựa trên những thông tin mà anh cung cấp, xin có một số ý kiến trao đổi cùng anh,
+ Do quan hệ được xác lập ở đây là quan hệ lao động giữa: anh (người làm công ăn lương) với Công ty (người sử dụng lao động) nên chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về lao động, cụ thể là áp dụng Bộ luật lao động, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động, cũng như các văn bản khác hướng dẫn thi hành mà không xét đến Luật doanh nghiệp như anh đề cập.
+ Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Bộ luật lao động và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật lao động thì “Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương”
và “Khi cần cho nhiều người thôi việc theo khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc, sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật này. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết”.
+ Thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 38 của Bộ luật lao động như sau:
“Người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.
+ Vào ngày 19/10/2010 Ban giám đốc chi nhánh tổ chức họp toàn thể chi nhánh và công bố việc hoạt động lại của kho lạnh nơi anh làm việc có nghĩa là lúc này người lao động không bị mất việc làm do công ty đã công bố hoạt động trở lại do đó việc anh đề nghị công ty giải quyết chế độ theo tinh thần nội dung cuộc họp ngày 28/09/2010 là không phù hợp bởi các lẽ sau:
- Nội dung cuộc họp ngày 28/09/2010 (ngừng hoạt động kho lạnh) đã được thay đổi bởi nội dung cuộc họp ngày 19/10/2010 (hoạt động trở lại của kho lạnh). Thực tế là hiện nay công ty không buộc người lao động phải thực hiện đúng theo nội dung cuộc họp ngày 28/09//2010 trước đây và người lao động vẫn được làm việc bình thường đều này chứng tỏ là người lao động không bị mất việc làm.
- Hiện nay, do anh đã tìm được việc làm mới nên anh không muốn tiếp tục ở lại làm việc cho công ty nữa mà muốn được nghỉ để sang công ty mới làm việc, ngày 24/10/2010 anh đã làm đơn đề nghị công ty giải quyết chế độ theo tinh thần nội dung cuộc họp ngày 28/09/2010 là trợ cấp mất việc làm... Tuy nhiên, ngày 29/10/2010 Ban giám đốc thông báo với anh là phải làm đơn thôi việc và chỉ giải quyết theo chế độ thôi việc.
Theo tôi việc công ty yêu cầu anh làm đơn xin thôi việc và giải quyết theo chế độ thôi việc trong trường hợp này là phù hợp quy định.
Vì chỉ khi nào công ty anh do “thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm” và người sử dụng lao động đã “đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương” mới áp dụng chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định trên.
Còn công ty anh hiện nay vẫn hoạt động lại bình thường và cũng không làm người lao động bị mất việc làm (công ty đã tuyên bố hoạt động lại) nên không thuộc trường hợp phải trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi họ nghỉ việc.
- Nếu muốn, anh có thể thỏa thuận với công ty về việc hỗ trợ 2 tháng lương trong thời gian tìm việc hoặc các yêu cầu khác xem họ có đồng ý không?
______________________________________________________________
Hy vọng nội dung trả lời trên sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của anh,
Nếu có điều chi chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm anh vui lòng liên lạc qua địa chỉ email: lsgiadinh@gmail.com
Chúc anh vui và gặp nhiều may mắn.
Cập nhật bởi lsgiadinh ngày 02/11/2010 02:51:20 PM