Đọc qua các bài thì các "công tố viên" đòi truy tố B ở các tội danh sau:
1 - Cướp giật tài sản;
2 - Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
3 - Cướp tài sản;
4 - Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
Để xác định tội danh phù hợp thì việc xác định bằng biện pháp nào người phạm tội đã lấy được tài sản ra khỏi sự kiểm soát của chủ sở hữu là yếu tố quyết định.
Nếu xử tội cướp giật thì điểm quan ngại đầu tiên là ở chỗ hai người có sự quen biết với nhau từ trước, B cũng đã có sự kiểm soát tài sản ở mức độ nào đó từ sự chấp thuận của A (cho lái xe) mặc dù không phải là sự kiểm soát hoàn toàn. Chính ở chỗ này mới phát sinh ra quan điểm truy tố B theo tội thứ 4 (lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Nhưng ở tội thứ 4, theo điều luật, việc có được tài sản của người phạm tội phải xuất phát từ hành vi vay, mượn, thuê hoặc nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng. Ở vụ việc này thì chẳng có thông tin nào cho thấy B đã thông qua các hành vi đó để A tin tưởng trao tài sản cho mình nên hành vi của B không thỏa mãn cấu thành tội phạm được quy định tại tội này.
Trở lại, điểm quan ngại đầu tiên này có thể được giải tỏa do tội cướp giật đâu có loại trừ trường hợp hai người đã quen biết nhau từ trước. Thế nhưng đặc trưng của tội cướp giật là người phạm tội từ chỗ không có sự kiểm soát tài sản đã sử dụng hành vi mạnh mẽ, nhanh chóng, trái với ý muốn của chủ sở hữu tài sản để chiếm quyền kiểm soát tài sản và tẩu thoát. Chủ tài sản phải có sự kiểm soát tài sản ở mức độ đầy đủ hoặc phần lớn trước khi người phạm tội có hành vi cướp giật. Ở vụ việc, ta thấy khi A đi nhặt dép A đã ngầm đồng ý rời bỏ tạm thời sự kiểm soát tài sản, trao cho B sự kiểm soát tài sản hoàn toàn trong thời gian đi nhặt dép do A tin tưởng B ở một mức độ nào đó. Ví dụ có ai đến cướp hoặc lấy xe ở thời điểm này, thì B có quyền chống trả hoặc phản đối để bảo vệ tài sản cho đến khi A trở lại nếu B là người ngay thẳng. Vậy B đâu có dùng hành vi mạnh mẽ, nhanh chóng, trái với ý muốn của chủ sở hữu tài sản để lấy quyền kiểm soát tài sản từ A. Vậy tội cướp giật tài sản cũng không thỏa mãn.
Đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, đặc trung của tội này là do trở ngại khách quan mà chủ sở hữu tài sản không thể ngăn chặn hành vi lấy tài sản của người phạm tội. Ở vụ việc, ta thấy không có bất kỳ trở ngại khách quan nào ở đây cả, tự A xuống nhặt dép, tự A rời xa tài sản của mình. Vì vậy tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng không thỏa.
Đến tội cướp thì lại càng không đúng vì B đâu có sử dụng bất kỳ hành vi vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nào để lấy tài sản từ A.
Thế thì B phạm tội gì? Theo quan điểm của mình B đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu xét cả quá trình B làm quen A, rủ A đi chơi hay đi đâu đó đều nhằm mục đích để B có thể tiếp cận tài sản của A và chờ cơ hội thuận tiện để ra tay. Thủ đoạn gian dối theo yêu cầu của luật ở tội này đó chính là việc B giả vờ làm rơi dép để "nhờ" A xuống nhặt để mình có được sự kiểm soát hoàn toàn tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Hành vi nhanh chóng tẩu thoát ở đây chỉ là hành vi cuối cùng của cả một giai đoạn phạm tội mà ta thường thấy xảy ra ở các tội chiếm đoạt tài sản. Nó nhằm mục đích thoát khỏi các hành vi ngăn chặn để lấy lại tài sản của chủ sở hữu tài sản. Nó không phải là hành vi cấu thành dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của mình về vụ này.
Thân.
Cập nhật bởi Unjustice ngày 04/10/2013 02:28:16 CH
Luật được sinh ra để phục vụ con người chứ không phải để cai trị.