Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho chúng tôi !
Với câu hỏi của bạn, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Tội Đánh bạc trái phép được quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự; còn tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (còn được gọi là chứa bạc) trái phép được quy định tại Điều 249.
Điều 249
“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này và điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm: có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Thứ nhất, với hành vi tổ chức đánh bạc của chủ nhà với tổng số tiền là 12.500.000 đồng. Theo Nghị quyết số: 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự.
Điều 2 – Khoản 1,2 quy định về tổ chức đánh bạc với “quy môn lớn” như sau
“Điều 2. Về một số quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự
1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”:
a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc;
c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
2. Người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.”
Trong trường hợp của bạn:
- Bạn là chủ nhà, tổ chức đánh bạc với quy mô 3 người, với tổng sổ tiền là 12.500.000 đồng. Tuy nhiên, ở đây bạn chưa nhắc đến thông tin “Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc” hay không ?
Vì vậy ở đây chúng tôi chưa xác định được trường hợp của bạn có là tổ chức đánh bạc với “ quy mô lớn” hay không ?
- Bạn tổ chức đánh bạc và bị bắt lần đầu tiên, chưa bị xử phạt hành chính và chưa có án tích về tội chứa bạc.
Như vậy, theo quy định của BLHS Điều 249 và Điều 2 Nghị quyết Số: 01/2010/NQ-HĐTP nêu trên, bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”. Để xác định rõ, bạn cần cung cấp thông tin cho chúng tôi một cách cụ thể và chi tiết hơn.
Thứ hai, đối với hành vi đánh bạc của những người còn lại, với tang vật là 12.500.000 đồng, mỗi người giữ tài sản trên 2.000.000 đồng. Ở đây có một số thông tin cần làm rõ như sau:
- Những người tham gia đánh bạc đã bị kết án hay đã có án tích chưa được xóa về tội đánh bạc chưa ?
- Nếu có, đã bị kết án hoặc có án tích về tội đánh bạc bao nhiêu lần?
Điều 248 BLHS quy định về tội đánh bạc như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến 30 triệu đồng.”
Theo Nghị quyết số: 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự.
Điều 1 – Khoản 2 quy định về xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc như sau:
“Điều 1. Về một số quy định tại Điều 248 của Bộ luật hình sự
2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét; cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự;
d) Trường hợp đánh bạc từ năm lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật hình sự.”
Như vậy, đối với những người đánh bạc còn lại, với tang vật là 12.500.000 đồng, mỗi người giữ tài sản trên 2.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, đối với hành vi vi phạm của bạn và những người đánh bạc, sẽ bị xử lý như sau:
- Đối với chủ nhà: có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đánh bạc, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến 30 triệu đồng (Khoản 3 – Điều 248 BLHS)
- Đối với những người đánh bạc: chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc, căn cứ theo mức độ vi phạm và số lần vi phạm, số lần bị kết án, có án tích chưa được xóa mà tiếp tục vi phạm hay không; sẽ có các hình phạt khác nhau. Trong đó, hình phạt thấp nhất là “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến 30 triệu đồng” ( Khoản 3 – Điều 248 BLHS) và hình phạt cao nhất là “ phạt tù từ 2 năm đến 7 năm” (Khoản 2 – Điều 248 BLHS)
Hiện tại, do thông tin mà bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi xin phép được đưa ra một số góp ý như trên. Bạn có thể liên hệ với luật sư để được tư vấn và nhận được hỗ trợ một cách cụ thể hơn.
Nguyễn Diệu Huyền | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (www.vietkimlaw.com)
M: (+84-4) 3.2899.888 - E: luatvietkim@gmail.com
Ad: CS1- Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN
CS2 - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.