Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở các vùng biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Để đề phòng và ngăn chặn tội buôn lậu ngày càng lộng hành, giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định pháp luật. Bài viết sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc trên.
Buôn lậu là gì?
Buôn lậu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ quản lí ngoại thương của Nhà nước do vậy luật hình sự Việt Nam đã coi hành vi buôn lậu với mức độ nhất định là tội phạm.
Việc buôn bán trái pháp luật trên thể hiện thông qua các hoạt động trao đổi hàng hóa mà không thực hiện khai báo, khai báo gian dối, dùng giấy tờ giả mạo, dấu diếm hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ, trốn tránh sự kiểm soát của hải quan, bộ đội biên phòng nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Đối tượng của tội buôn lậu
Đối tượng của hành vi phạm tội buôn lậu bao gồm hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý, di vật, cổ vật.... Cụ thể:
- Hàng hóa là sản phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi trên thị trường. Ví dụ, các loại hàng hóa tiêu dùng trong đời sống hàng ngày như ti vi, tủ lạnh, xe máy,...
Khái niệm hàng hóa rất rộng và bao gồm tất cả sản phẩm, trừ một số loại hàng hóa đặc biệt được quy định riêng với các tội phạm khác như: các chất ma túy, vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật,...
- Tiền Việt Nam: Đồng tiền ở đây không thực hiện chức năng trao đổi thanh toán mà là hàng hóa, là đối tượng của hành vi mua, bán. Đồng tiền là đối tượng của tội buôn lậu phải là Tiền Việt Nam hiện hành do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành;
- Ngoại tệ: Là tiền nước ngoài đang lưu hành, không phải đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành;
- Kim khí đá quý: Là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên làm từ kim khí quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành như: vàng, bạc, bạch kim,...
- Đá quý: Là các loại đá tự nhiên và các loại thành phẩm từ đá quý theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Di vật là vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (Theo Luật di sản văn hóa 2001);
- Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên (Theo Luật di sản văn hóa).
Tội buôn lậu được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Đối với cá nhân
Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của BLHS 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Mức phạt cao nhất cho tội này có thể phạt tiền lên đến 5 tỉ đồng và phạt tù đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 188 BLHS 2015, thì bị phạt như sau:
- Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 188 BLHS 2015 với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều 188 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 01-03 tỉ đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 188 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 03-07 tỉ đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 188 BLHS 2015, thì bị phạt tiền từ 07-15 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01-03 năm.