Trước đây, ông ngoại tôi có cho mẹ tôi một mảnh đất thổ cư C, còn ông Đứa (bác ruột của tôi) có một mảnh đất sản xuất X. Năm 1990, ông Đứa có nhu cầu cất nhà cho con nên đề nghị mẹ tôi thực hiện một
hợp đồng trao đổi đất (hợp đồng bằng miệng, không giấy tờ sang tên đổi chủ) như sau: Ông Đứa lấy mảnh đất C cất nhà cho con ông là Nguyễn Thành Tâm còn mẹ tôi lấy mảnh đất X để sản xuất đậu phộng. Năm 1992, nhà nước có chính sách thu hồi đất dư để chia cho người nghèo, ông Đứa thuộc diện phải giao đất. Ông muốn lấy mảnh đất X mà mẹ tôi đang sản xuất để giao cho nhà nước nhưng tôi không đồng ý cho đến khi ông hứa sẽ đưa đất khác cho tôi. Sau vài tháng liên tục đòi ông đưa đất nhưng ông cứ hẹn, tôi yêu cầu ông trả lại mảnh đất C cho tôi. Nhưng vì khi đó con của ông đã sử dụng một nửa diện tích mảnh đất C để cất nhà nên
ông chỉ trả lại cho tôi một nửa kèm theo lời hứa sẽ trả thêm một mảnh đất khác có giá trị tương đương với một nửa còn lại. Và ông tiếp tục hẹn. Đến năm 1993, nhà nước có chủ trương trả mảnh đất X lại cho ông Đứa, tôi đến gặp ông để yêu cầu ông trả cho tôi một nửa của X thì ông viện lý do là đất đó ông đã cho con của ông ra riêng và lại hứa sẽ giao mảnh đất khác cho tôi. Khoảng năm 1994 – 1995, tôi đã sang nhượng một nửa diện tích đất C vừa đòi lại cho anh Nên là em ruột của anh Tâm. Từ năm 1996 đến 2002, tôi phải đi làm xa nhà nên không hay biết việc ông Đứa đã sang nhượng toàn bộ mảnh đất X cho người khác vào năm 1999. Khi hay tin, tôi có đến gặp ông nhiều lần và ông lại tiếp tục hẹn. Cuối năm 2004, ông có đến nhà tôi yêu cầu tôi và các dì của tôi là bà Trần Thị Nói và bà Trần Thị Thé cùng 2 người con của dì là Lâm Văn Lực và Mai Văn Chiến vào ngày 19/12/2004 hãy đến nhà ông để ông công khai trả đất. Nhưng khi đến nơi, ông tránh mặt để con ông là Nguyễn Thành Tâm lên tiếng hăm dọa và thách thức chúng tôi. Sau đó, tôi làm đơn gởi lên HĐND xã Phước Đông giải quyết. Lần làm việc đầu tiên tại xã, ông Đứa và con của ông đã khai nhận trước kia có trao đổi đất với gia đình tôi đồng thời cũng xác minh là đã bán mảnh đất X. Để hòa giải, xã có mời thêm 4 lần nữa nhưng gia đình ông không đến.
Năm 2006, tôi đã làm đơn gởi lên tòa án nhân dân huyện Gò Dầu và đến khoảng đầu tháng 3/2009, tòa án có mời 2 bên đến hòa giải. Lúc đó, gia đình ông Đứa đồng ý trị giá mảnh đất trên là 196 triệu đồng và chấp nhận đền bù cho tôi bằng tiền mặt. Ngày 13/3/2009 các cơ quan thẩm định đã đến khảo sát, đo đạc và định giá thực tế mảnh đất là 197.580.000. Nhưng khi đến phiên tòa sơ thẩm ngày 29/4/2009, tòa án nhân dân huyện Gò Dầu đã xử tôi thua kiện và đặc biệt là trong bản án sơ thẩm, có vài chi tiết không đúng với lời khai của tôi. Tôi tiếp tục kháng cáo lên tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh và ngày 9/7/2009 tôi nhận được bản án phúc thẩm tương tự như bản án sơ thẩm.
Điều đáng nói là tại phiên tòa phúc thẩm, cách làm việc của vị Thẩm phán khiến tôi thật sự khó hiểu và không phục. Đầu tiên ông yêu cầu luật sư bảo vệ cho các bên có ý kiến, luật sư bảo vệ quyền lợi cho tôi có yêu cầu tòa xem xét lại 2 điểm rất quan trọng trong vụ án nhưng ông Thẩm phán vẫn phớt lờ không đả động tới, ông không hề hỏi các bên đương sự thêm một câu nào và cuối cùng phán rằng: “Cũng anh em trong nhà, thôi để vậy cho rồi” và tuyên y án sơ thẩm kèm theo nhấn mạnh: “Không được kháng cáo”.
Xin tư vấn giúp tôi xem làm thế nào để kháng nghị lên cấp trên, thủ tục như thế nào, tôi có thể thắng kiện khoảng bao nhiêu phần trăm? Xin cảm ơn rất nhiều!