Lãi trả chậm là khoản tiền mà khách hàng phải trả nếu khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả, chậm trễ trong thanh toán, hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận. Lãi trả chậm sẽ áp dụng đồng thời 3 mức lãi suất : lãi suất trên nợ gốc, lãi suất trên dư nợ gốc quá hạn và lãi suất cho phần lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Về cách tính lãi, được quy định tại điều 3 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
"1) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
2) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
3) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn."
Quy định này nhằm hạn chế lãi chồng lãi. Khách hàng và ngân hàng được quyền thỏa thuận về mức lãi suất chậm trả và lãi trên dư nợ gốc nhưng không được vượt mức ấn định như trên. Thông thường các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác sử dụng luôn mức 10% và 150% đối với hai loại lãi suất trên. Ví dụ minh họa cho cách tính trên: Khách hàng A vay của ngân hàng B 1 tỉ đồng trong thời hạn 1 năm với mức lãi suất 10% một năm. Sau khi đến hạn A vẫn chưa trả cả gốc lẫn lãi. Khoản vay bị chuyển nợ quá hạn. Sau hai tháng kể từ ngày hết hạng, số tiền A phải trả là:
Tiền nợ gốc: 1 tỷ, lãi trong kỳ 10% x 1 tỷ = 100 triệu, tiền lãi chậm trả trên lãi trả chậm: ((10%*2)/12) x 100 tr = 1,67triệu và tiền lãi trên dư nợ gốc: 1 tỷ *((150%*10%*2)/12)= 25 tr.
Mức tiền lãi này là khá cao để hạn chế việc chậm trả của khách hàng. Khi vay tiền ngân hàng, tốt nhất ta nên tìm cách trả đúng hạn để tránh phải trả nhiều khoản lãi như trên.