Trong thời buổi công nghệ số ngày nay, việc lên mạng để làm việc, giao lưu, giải trí, đọc báo,... được xem là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hang ngày của chúng ta. Từ đó, mọi người bắt đầu chú ý, phát triển các trang web, các app, dịch vụ online,... nhằm đáp ứng cho những nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dùng khi truy cập, sử dụng mạng. Đặc biệt, với cách tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, các bài báo, tin tức phát triển cực kì mạnh mẽ. Bây giờ, bạn không cần phải ra đường, mua báo, tạp chí, xem thời sự,... mà bạn chỉ cần ngồi nhà mở điện thoại, laptop ra lướt web, đọc báo điện tử, lướt Facebook,... thì cũng có cả khối tin tức về đời sống xã hội, pháp luật, những sự kiện từ nhỏ đến lớn mà chúng ta quan tâm. Với khối lượng thông tin rộng lớn, tràn lan thì không thể nào tránh khỏi những tin tức giả mạo, sai sự thật được viết ra với nhiều mục đích tiêu cực như xâm hại đến lợi ích đối phương, phục vụ cho lợi ích của bản thân người viết,...
Nhận thấy mối đe dọa này, nhà nước đã bắt đầu quan tâm và ban hành Luật an ninh mạng 2018 quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể như thế nào là tin giả. Hay chúng ta có thể hiểu đại khái tin giả còn được gọi là tin rác hay tin giả mạo (fake news). Đây là một loại hình báo chí, tuyên truyền với những thông tin cố ý làm sai lệch, trái với thông tin ngoài đời thật qua những phương tiện truyền thông thông như in, phát sóng hay báo điện tử,…
Không đưa ra khái niệm cụ thể, nhưng nhà nước lại đưa ra một số chế tài về vấn đề này qua Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể như vụ ‘Fan hâm mộ’ của bà Nguyễn Phương Hằng đã bị công an TP.HCM xử phạt do đăng tải nhiều clip trên trang mạng xã hội với nội dung sai sự thật, xuyên tạc hoạt động điều tra của Công an TP.HCM đã bị xử lý hành chính. Với hành vi như vậy, ‘Fan hâm mộ’ ấy đã vi phạm tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP này là
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
-
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”.
Hay việc đăng tin giả, thông tin sai sự thật về covid-19 có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như trên. Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự 2015 tại điều 288 có quy định về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Tuy pháp luật đã có những chế tài về vấn đề việc tuyên truyền, đăng tin giả nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được vấn đề này. Để có được một môi trường mạng lành mạnh thì chúng ta cũng cần phải chung sức bày trừ, tố cáo đối với những nguồn tin ko chính xác này.