Bạn nào quan tâm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bô%3ḅ chính trị, mời đọc đỡ bài này về nhận thức mới về QĐ 57.
Có hai vấn đề trong nhận thức mới này: Vấn đề lịch sử chính trị và vấn đề chính trị hiện nay
MỜI ĐỌC:
27/01/2011
Đổi mới nhận thức về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng trong thời kỳ mới
Có những cách hiểu khác nhau về chính trị, theo nghĩa chung nhất, chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp về vấn đề giành và giữ chính quyền, là quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, giữa các nhà nước; là tư duy chính trị, năng lực cầm quyền của đảng chính trị. Sự vững mạnh của đảng cầm quyền thể hiện ở quan điểm tư tưởng, xác định đường lối chính trị đúng đắn và năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả; là thiết lập tổ chức bộ máy, hệ thống quyền lực và sử dụng quyền lực; là thực hiện dân chủ, tập hợp, phát huy mọi nguồn lực xã hội vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trên cơ sở đó tạo ra uy tín chính trị, tập hợp được lực lượng của các giai cấp, tầng lớp của toàn xã hội, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
1. Vấn đề chính trị nội bộ lâu nay chưa được nghiên cứu sâu, ít được thảo luận dân chủ trong Đảng. Không ít cán bộ của Đảng còn có những suy nghĩ, quan niệm khác nhau về bảo vệ chính trị nội bộ. Nhiều người cho đây là "vùng cấm", không được luận bàn, không được chỉ ra những "vấn đề thuộc về nội bộ" cần chỉnh đốn, e ngại rằng sẽ làm mất uy tín của Đảng.
Cần xác định quan niệm thế nào là "vấn đề chính trị" trong Đảng, nội dung của "vấn đề chính trị" trong Đảng. Trên cơ sở đó, tạo ra sự thống nhất về nhận thức cách ứng xử trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay. Thí dụ, khi xảy ra mất đoàn kết nghiêm trọng trong ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức thì nơi đó có "vấn đề chính trị nội bộ". Nhưng phải xác định thế nào là mất đoàn kết nội bộ? Phải phân biệt "mất đoàn kết nội bộ" là tình trạng nội bộ bị phân liệt, bè phái, do nhận thức và hành động trái nguyên tắc, quan điểm, chủ trương của Đảng, làm cho các hoạt động của cơ quan, đơn vị trì trệ... với việc thực hiện phê bình, tự phê bình nghiêm túc, thẳng thắn có khi "nảy lửa" với những thiếu sót, vi phạm để sửa chữa, tiến bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng hiện nay, có tình trạng e ngại tranh luận trong nội bộ để tìm chân lý, vì sợ "mất đoàn kết nội bộ". Song, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng "đoàn kết", "thống nhất” một cách hình thức, giả dối, theo kiểu "bằng mặt, không bằng lòng"; tình trạng "đoàn kết", "thống nhất" để thực hiện những ý đồ trái với nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng. Đó là điều rất nguy hiểm, rất tai hại, phải đấu tranh một cách cương quyết, không khoan nhượng. Nếu có nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức sai lệch nghiêm trọng là có vấn đề chính trị; khi nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm đạo đức cũng trở thành "vấn đề chính trị" của Đảng, làm cho Đảng mất tín nhiệm với dân...
Cần nhìn nhận đúng "vấn đề chính trị nội bộ" Đảng, trong điều kiện đảng chính trị duy nhất cầm quyền. Đường lối chính trị của Đảng là mục tiêu, phương hướng hoạt động của toàn xã hội. Thống nhất về quan điểm tư tưởng, nhất trí về đường lối để thống nhất hành động trong Đảng, làm cơ sở cho sự đồng thuận xã hội, bảo đảm cho ổn định chính trị và phát triển bền vững. Đối với một đảng chính trị, giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng cũng có ý nghĩa sống còn Đảng như một cơ thể sống, là sự gắn kết giữa các cơ quan, tổ chức của Đảng trong mọi hoạt động. Thực hiện nguyên tắc tổ chức, hoạt động là cơ sở bảo đảm cho Đảng có sức mạnh. Cán bộ, đảng viên là nhân tố con người của Đảng, trong đó, cán bộ cấp chiến lược, cán bộ trong ban lãnh đạo cấp cao của Đảng có vai trò cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chăm lo nhân tố con người của Đảng là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là những chiến sỹ tiên phong, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng vì hạnh phúc của nhân dân. Do đó, bảo vệ Đảng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược; bảo vệ từ bên trong nội bộ Đảng, chống tha hoá, thoái hoá; giữ vững uy tín chính trị của Đảng. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh chống sự phá hoại từ bên ngoài, làm suy yếu tan rã Đảng, nhằm làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là một đảng cách mạng chân chính, bảo đảm cho Đảng trong sạch, có bản lĩnh chính trị, có năng lực lãnh đạo vững mạnh, tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ danh dự và lương tâm của dân tộc Việt Nam.
2. Phương châm chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời kỳ mới là: "Khi xem xét vấn đề chính trị nội bộ, giữa lịch sử chính trị với chính trị hiện nay thì chính trị hiện nay là chính; giữa quan hệ gia đình với bản thân thì bản thân là chính; giữa quản lý đầu vào với xử lý đầu ra thì quản lý đầu vào là chính; giữa xử lý với sử dụng thì sử dụng là chính"(1).
Trong bảo vệ chính trị nội bộ xác định hai nội dung: những vấn đề thuộc về lịch sử chính trị và những vấn đề thuộc về chính trị hiện nay. Theo cách xác định của Quy định 57-QĐ/TW, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị "Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng", vấn đề lịch sử chính trị là những gì liên quan đến bản thân hoặc quan hệ gia đình gồm cha, mẹ đẻ; người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân, của vợ hoặc chồng vi phạm về tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Đảng. Những năm qua, các tổ chức đảng đã tập trung giải quyết vấn đề lịch sử chính trị. Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, chúng ta đã cơ bản xem xét giải quyết những trường hợp bản thân có vấn đề về lịch sử chính trị. Những trường hợp còn lại của bản thân chỉ là những người che dấu lý lịch hoặc do địch cài cắm, thực hiện kế hoạch hậu chiến, phá hoại. Vấn đề lịch sử chính trị còn lại cần xem xét chủ yếu là quan hệ gia đình.
Một phương diện khác về lịch sử chính trị là những vấn đề, vụ việc chính trị nội bộ trong lịch sử của Đảng. Đó là những vấn đề thuộc về nội bộ, liên quan đến chủ trương, đường lối tổ chức, hoạt động của Đảng; liên quan đến tổ chức, cá nhân, con người cụ thể...
thường gắn liền với những bước thăng trầm của Đảng. Tuy là vấn đề lịch sử nhưng có tác động, ảnh hưởng tới hoạt động hiện tại. Do điều kiện khách quan và chủ quan, những năm qua, một số vấn đề, về lịch sử của Đảng chưa được đánh giá, kết luận, phổ biến và hướng dẫn trong cán bộ, đảng viên. Những thông tin này lan truyền trong xã hội không đầy đủ thiếu chính xác, dẫn đến nhận thức lệch lạc, tâm tư trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của khoa học kỹ thuật, điều kiện trao đổi, tiếp nhận thông tin nhiều chiều, các thế lực chống đối, phá hoại, tung tin, lợi dụng những vấn đề nội bộ đó để xuyên tạc, thực hiện hành vi chống đối, phá hoại, tạo ra những băn khoăn, lo lắng, phân tâm trong xã hội. Vì vậy, những vấn đề thuộc về nội bộ trong lịch sử hoạt động của Đảng nếu không được giải quyết, kết luận rõ ràng sẽ gây ra sự hoài nghi, có khi trở nên bức xúc cũng là nhân tố nảy sinh "vấn đề chính trị hiện nay". Cả hai phương diện trên của vấn đề lịch sử chính trị cho thấy mối liên hệ, tác động qua lại giữa lịch sử chính trị với chính trị hiện nay rất khăng khít.
3. "Vấn đề chính trị hiện nay" là những vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, hiện hành, đang và sẽ xảy ra, làm suy giảm đoàn kết, nhất trí; sức mạnh của Đảng, đe dọa vị trí, vai trò lãnh đạo vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng vừa phải tiếp tục xem xét, giải quyết vấn đề lịch sử chính trị, vừa phải chuyển mạnh sang xem xét, giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. "Vấn đề chính trị hiện nay" đã và đang tác động trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.
Vì vậy, cần có sự quan tâm thích đáng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời kỳ mới. Phải nhìn nhận đúng đắn yếu tố bên trong với yếu tố bên ngoài; mối quan hệ giữa yếu tố bên trong với yếu tố bên ngoài của công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Về yếu tố bên trong, cùng với việc đề phòng sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách; phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng là cực kỳ quan trọng Phải chống tha hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên-nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo. Quyền lực chính trị gắn với quyền lợi kinh tế, phẩm chất chính trị gắn với phẩm chất đạo đức, lối sống. Cần đề phòng và đấu tranh chống bệnh cơ hội chính trị-thực dụng, bị các thế lực chống đối, phá hoại nước ngoài mua chuộc. Phải giữ gìn uy tín của Đảng niềm tin của nhân dân với Đảng. Khi mất lòng tin của dân, thì không thể lường được điều gì sẽ xảy ra. Hội nghị Trung ương 5 khoá X “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới" đã nêu tình hình rất đáng chú ý: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục có hiệu quả, làm giảm sức chiến đấu của Đảng và lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước... Các phần tử cơ hội chính trị trong nước móc nối với thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng"(2).
Về yếu tố bên ngoài, các thế lực chống đối, phá hoại có nhiều âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm. Chúng ngấm ngầm, công khai ủng hộ, tài trợ cho những phần tử chống đối dưới danh nghĩa "khác chính kiến"; chúng cổ vũ các cuộc "cách mạng sắc màu”, tạo sự phân tâm trong nội bộ Đảng và tâm lý hoang mang, giảm lòng tin của nhân dân với Đảng.
Chúng dùng thủ đoạn cài cắm nội gián, móc nối vào các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang; lợi dụng mở cửa, hội nhập lợi dụng hoạt động hỗ trợ, tài trợ để hoạt động chống phá về chính trị, thực hiện những ý đồ chiến lược, làm "chuyển hoá từ bên trong". "Vấn đề chính trị hiện nay" rất phức tạp, nó vừa ở trong nội bộ ta, vừa là sự chống phá từ bên ngoài; là sự kết hợp, chuyển hoá giữa yếu tố bên trong với bên ngoài, trong đó giải quyết được yếu tố bên trong, nội bộ là cơ bản, trực tiếp và quyết định. Đây cũng là lý do đòi hỏi sự chuyển hướng, quan tâm thích đáng tới "vấn đề chính trị hiện nay" trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. "Vấn đề chính trị hiện nay" là nội dung quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng trong thời kỳ mới, là "vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, của chế độ"(3).
4. Như vậy, "vấn đề chính trị hiện nay" là những biểu hiện, tình huống về đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động của Đảng; phẩm chất chính trị của cán bộ, đảng viên, đang diễn ra, sẽ diễn ra; làm suy giảm đoàn kết nội bộ, uy tín chính trị, sức mạnh của Đảng; đe dọa vị trí, vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đe doạ sự tồn vong của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Vấn đề chính trị hiện nay" có hai nhân tố: bên trong, bên ngoài. Những vấn đề bên trong, thuộc về nội bộ của Đảng, của Nhà nước, hệ thống chính trị của cán bộ, đảng viên; những vấn đề bên ngoài là sự chống đối, phá hoại của các thế lực nước ngoài vào nội bộ Đảng. Trong hai nhân tố đó nhân tố bên trong giữ vai trò quan trọng, quyết định.
Rõ ràng, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần đổi mới tư duy, nhận thức về "chính trị nội bộ" và bảo vệ chính trị nội bộ trong thời kỳ mới. Cần khắc phục hai khuynh hướng chưa đúng về lịch sử chính trị, hoặc là xơ cứng, máy móc, sa vào "chủ nghĩa lý lịch, thành phần"; hoặc là giản đơn, vô nguyên tắc, xoá nhoà ranh giới. Cần đặc biệt quan tâm đến chính trị hiện nay, hiểu đúng về bảo vệ Đảng trong thời kỳ mới. Cần khắc tình trạng chỉ ngợi ca một chiều, tâm lý e ngại, thậm chí là sợ đụng chạm, sợ quy vào "quan điểm", làm hạn chế sự thẳng thắn, nghiêm túc trong việc nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về Đảng. Cần thực hiện đúng phê bình, tự phê bình; nghiêm khắc với những sai sót, khuyết điểm trong Đảng Chống tha hoá, chống "tự diễn biến" trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cán bộ cấp cao và sự chống phá của nước ngoài. Đó là yêu cầu để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao niềm tin vào Đảng. Bảo vệ chính trị nội bộ trong thời kỳ mới là tiếp tục giải quyết đúng đắn vấn đề lịch sử chính trị; phòng ngừa và chủ động giải quyết "vấn đề chính trị hiện nay" ở mỗi cơ quan, tổ chức, từ mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng
(1) Thông báo số 203-TB/TW ngày 24-10-2005 của Bộ Chính từ khoá IX. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X, NXBCTQG, H.2007, tr.34. (3) Thông báo số 132-TB/TW ngày 5-1-2004, Bộ Chính từ (khoá VIII).
TS. Phan Hữu Tích
Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng.- Số 2+3/2010.-Tr. 22-25