Từ trước đến nay, khi nói đến các kỳ thi ở Việt Nam mọi người lại cảm thấy ngán ngẩm. Ngán ngẩm vì đa phần kỳ thi nào cũng đều tồn tại áp lực, cạnh tranh, và hơn hết là những tiêu cực, trong đó đặc biệt nhất là thi công chức.
Nhắc đến “thi công chức” chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua. Nhưng thi công chức là gì thì người ta lại định nghĩa theo những cách rất khác nhau. Tựu trung lại đó là việc Nhà nước tổ chức lựa chọn “người tài” vào làm việc ở các cơ quan nhà nước thông qua hình thức thi tuyển. Mà kết quả của kỳ thi không có ai tài thì có vấn đề!
Thời còn trẻ, không ít người vẫn luôn ấp ủ con đường học vấn để mai sau được làm công chức, được phục vụ quê hương. Nhưng đôi khi kỳ vọng, nổ lực bản thân thôi là chưa đủ. Bởi đường vào biên chế còn lắm những gian lao nào là “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ” rồi mới đến trí tuệ.
Tiêu cực của thi công chức không có gì mới mẻ nhưng mỗi khi nhắc đến lại luôn là đề tài để người ta ngồi lê đôi mách. Đó là việc đưa người nhà, thân quen, bổ nhiệm không trong sáng, sai quy trình, nhiều cuộc thi chỉ mang tính hình thức, không minh bạch, … Tiêu cực nhiều là vậy, nhưng số vụ bị đưa ra xử lý lại rất ít, từ đó làm mất lòng tin của công chúng đối với cuộc thi tuyển chọn người tài.
Mặc dù con đường để làm công chức rất hẹp, nhưng mỗi khi có thông báo thi tuyển là cứ như ngày hội đua chen nhau đi đăng ký, có người bỏ cả việc làm. Với không ít người, vào công chức sẽ ổn định hơn, công việc nhàn hạ hơn,… về sau còn được lãnh lương hưu. Rồi nhiều người vì mong muốn của không ít bậc phụ huynh phải bỏ lỡ công việc yêu thích mà vấn thân vào vòng xoay biên chế. Đôi khi chính những suy nghĩ đó đã đẩy không ít người vào tình cảnh, dành cả tuổi thanh xuân chỉ để thi công chức.
Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao phải là công chức?
Việt Nam đang mở cửa hội nhập, có rất nhiều việc làm, nhiều cơ hội rộng mở chờ chúng ta chạm đến, đâu phải cứ là công chức thì mới giúp ích được cho đất nước này! Hãy lựa chọn phiêu lưu, thử thách, hãy làm bất cứ điều gì mình thích và hãy bớt ảo tưởng với công chức đi.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!