Trung tâm tư vấn pháp luật là một trong những tổ chức pháp lý có mặt từ sớm ở Việt Nam, tại đây có đội ngũ tư vấn viên hành nghề trong lĩnh vực pháp luật. Họ là những người am hiểu và có kỹ năng pháp lý chuyên sâu.
Vậy tiêu chuẩn để trở thành tư vấn viên pháp luật là gì? Và có bắt buộc tư vấn viên phải có bằng Luật sư?
1. Những ai mới có thể hành nghề tư vấn viên pháp luật?
Cụ thể theo Điều 18 Nghị định 77/2008/NĐ-CP về người thực hiện tư vấn pháp luật đáp ứng được tiêu chuẩn hành nghề và thực hiện tư vấn dưới tư cách là tư vấn viên pháp luật bao gồm:
- Thứ nhất là tư vấn viên pháp luật, như đã biết thì người trở thành tư vấn viên pháp luật sẽ thực hiện trực tiếp công việc tư vấn sau khi đã được đào tạo nghề và cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn.
- Thứ hai là Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm tư vấn pháp luật. Thông thường Luật sư cũng thực hiện công việc tư vấn tại văn phòng Luật sư hay doanh nghiệp nhưng họ vẫn có thể làm tư vấn viên theo hợp đồng tại trung tâm.
- Thứ ba là cộng tác viên tư vấn pháp luật, đây có thể là người có chuyên môn nghiệp vụ hoặc công tác trong lĩnh vực pháp luật chuyên sâu mà có thể thực hiện việc tư vấn pháp luật.
2. Tiêu chuẩn trở thành tư vấn viên pháp luật là gì?
Để trở thành tư vấn viên pháp luật thì người này phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn được pháp luật quy định và điều kiện cần có được quy định tại Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP như sau:
- Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
+ Có Bằng cử nhân luật;
+ Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.
- Tư vấn viên pháp luật được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật. Tư vấn viên pháp luật được hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
Công chức đang làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân không được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật.
- Tư vấn viên pháp luật chỉ được làm việc cho một Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc một Chi nhánh. Tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời kiêm nhiệm vị trí công tác khác của tổ chức chủ quản nhưng phải bảo đảm công việc đó không ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn pháp luật.
- Thẻ tư vấn viên pháp luật được cấp theo đề nghị của Trung tâm tư vấn pháp luật hoặc của Chi nhánh trong trường hợp Trung tâm, Chi nhánh thực hiện đăng ký hoạt động hoặc bổ sung tư vấn viên pháp luật.
3. Quy trình cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm thực hiện ra sao?
Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.
- Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:
+ Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;
+ Bản sao Bằng cử nhân luật;
+ Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.
- Người đã được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật:
+ Không còn đủ tiêu chuẩn trở thành tư vấn viên pháp luật.
+ Được tuyển dụng làm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
+ Có hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Nghị định 77/2008/NĐ-CP.
Sở Tư pháp, nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh mà người có Thẻ tư vấn viên pháp luật đang làm việc, thực hiện việc thu hồi Thẻ tư vấn viên pháp luật.
Như vậy, tiêu chuẩn để trở thành tư vấn viên pháp luật chỉ yêu cầu là người Việt Nam có phẩm chất, đạo đức tốt, không đang chấp hành án và phải có bằng cử nhân luật trở lên, đặc biệt đã có ít nhất 3 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật. Do đó, không yêu cầu tư vấn viên pháp luật phải trở thành Luật sư mới có thể hành nghề.