Thưởng Tết là một khoản tài sản do người sử dụng lao động thưởng cho người lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho cuộc sống của người lao động vào dịp xuân về. Tuy nhiên người lao động khi đủ điều kiện sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền lương và các khoản chi phí khác theo luật định. Vậy tiền Thưởng Tết phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền thưởng Tết có phải nộp thuế thu nhập cá nhân - Minh họa
1. Thưởng Tết là thu nhập chịu thuế
Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập của người lao động từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong đó bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức. thì tiền thưởng là khoản tiền phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vậy có nghĩa rằng, tiền thưởng Tết vẫn là căn cứ để nộp thuế thu nhập cá nhân.
2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền thưởng Tết
TH1: Đối với hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên (Căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với tiền lương, tiền công sẽ được tính theo công thức: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ
Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn
Lưu ý:
NLĐ chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn còn dương (giảm trừ cho bản thân 9 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mỗi người 3.6 triệu đồng/tháng, các loại giảm trừ khác, tiền bảo hiểm).
Khi tính số thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải nộp thì không tách riêng tiền thưởng Tết, lương tháng 13 mà được gộp chung để tính tổng thu nhập.
TH2: Đối với hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không có hợp đồng lao động (Điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả thu nhập cho cá nhân.
Theo đó khi tổ chức, cá nhân trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản thu nhập khác cho người lao động từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì khấu trừ tại nguồn 10% trước khi trả thu nhập
3. Tiền thưởng Tết có phải đóng Bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Do đó, tiền thưởng Tết của NLĐ làm việc tại doanh nghiệp không được tính làm căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.