Ngày 02/03/2018, đọc báo thấy Tổng cục thuế chính thức xem xét tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với tiền “thưởng” của U23 Việt Nam.
Vấn đề thuế TNCN đối với tiền thưởng/tặng của U23 Việt Nam đã tốn không ít giấy, mực của báo chí trong thời gian qua.
Có nhiều ý kiến của các luật sư, chuyên gia thuế, người đứng đầu các cơ quan thuế xung quanh vấn đề này. Có người nói không chịu thuế, có người nói phải chịu thuế vì đây là tiền thưởng, có người nói có khoản chịu thuế, có khoản không chịu thuế...
Theo tôi, để xác định khoản tiền mà U23 Việt Nam nhận được từ các cá nhân, tổ chức có phải chịu thuế TNCN hay không, trước hết, phải làm rõ khoản tiền này là tiền thưởng hay là tiền được tặng. Từ đó, đối chiếu với quy định của pháp luật, xác định khoản tiền thưởng/tặng này có thuộc diện thu nhập chịu thuế hay không.
1. KHI NÀO GỌI LÀ TIỀN THƯỞNG, KHI NÀO GỌI LÀ TIỀN ĐƯỢC TẶNG?
Không có định nghĩa về tiền thưởng hay tiền được tặng. Tuy nhiên, tham khảo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật Thi đua, khen thưởng (“Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”) và xem xét về mặt bản chất có thể thấy sự khác nhau giữa tiền thưởng và tiền được tặng.
Tiền thưởng có tính chất “hai chiều”, người được thưởng có sự đóng góp công sức, có thành tích trong lao động, học tập,... mang lại lợi ích nhất định cho tổ chức của họ hoặc cho xã hội; và chính tổ chức của họ hoặc cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thưởng tiền cho người đóng góp công sức, có thành tích đó.
Tiền được tặng không mang tính chất “hai chiều”, người được tặng tiền không cần mang lại lợi ích gì cho người tặng tiền. Thích thì tặng. Thế thôi!
Ví dụ 1: Nhân viên A có thành tích trong việc nghiên cứu, sáng tạo đã giúp cho Công ty B phát triển, tăng doanh thu hằng năm. Và Công ty B, ngoài việc trả lương hằng tháng còn thưởng khuyến khích cho nhân viên A. Đây là tiền thưởng.
Ví dụ 2: Học sinh C có thành tích suất sắc trong học tập, đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh C thưởng một khoản tiền và được UBND tỉnh C tặng bằng khen và kèm theo tiền thưởng. Khoản tiền học sinh C nhận được là tiền thưởng.
Công ty D thấy học sinh C hoàn cảnh khó khăn nhưng rất phấn đấu trong học tập, đạt thành tích suất sắc nên đã gửi cho học sinh C 50 triệu. Đây là tiền được tặng, chứ không phải tiền thưởng.
Ví dụ 3: Cầu thủ T đã đạt được nhiều giải cầu thủ suất sắc, góp phần phát triển câu lạc bộ và nền bóng đá tỉnh nhà. Và UBND tỉnh T đã tặng bằng khen kèm theo 100 triệu. Câu lạc bộ của T, ngoài trả lương hằng tháng, còn thưởng cho T 200 triệu đồng. Các khoản tiền này là tiền thưởng.
Sau khi thấy báo chí đăng ầm ĩ về cầu thủ T được thưởng khủng, Công ty X đã gửi “thưởng” cho cầu thủ T 500 triệu. Đây là tiền được tặng, chứ không phải tiền thưởng.
2. KHOẢN TIỀN MÀ U23 VIỆT NAM NHẬN ĐƯỢC CÓ CHỊU THUẾ TNCN HAY KHÔNG?
Trước hết, cần phải xác định khoản tiền này là tiền thưởng hay tiền được tặng. Nếu là tiền thưởng thì thuộc trường hợp “người sử dụng lao động thưởng cho người lao động” hay thuộc trường hợp “thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng”.
Theo điểm e, khoản 2, Điều 3 Luật Thuế TNCN; điểm e, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì: tiền thưởng phải chịu thuế TNCN là một dạng thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động (đối tượng nộp thuế) nhận được từ người sử dụng lao động.
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp người lao động nhận tiền từ một người (cá nhân hay tổ chức) mà người này không phải là người sử dụng lao động thì, dù khoản tiền này có được gọi là “tiền thưởng”, “tiền được tặng” hay tiền gì gì đi nữa..., thì cũng không được xem là tiền thưởng - một dạng thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế theo điểm e, khoản 2, Điều 3 Luật Thuế TNCN.
VẤN ĐỀ ĐẶT RA LÀ: AI LÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CỦA U23 VIỆT NAM?
Với giải vô địch Châu Á 2018, thì U23 lao động (đá bóng) cho ai?
Theo tôi, U23 Việt Nam lao động (đá bóng) cho VFF, cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho Chính phủ. Vì vậy, VFF, Bộ VHTTDH, Chính phủ được xem là người sử dụng lao động của U23 Việt Nam.
Như vậy, khoản tiền mà U23 Việt Nam nhận được từ VFF, Bộ VHTTDH, Chính phủ là khoản tiền thưởng - một dạng thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế theo điểm e, khoản 2, Điều 3 Luật Thuế TNCN (trừ trường hợp khoản tiền thưởng kèm theo danh hiệu được nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng theo Luật Thi đua, khen thưởng,... ).
Trường hợp U23 Việt Nam nhận khoản tiền từ các cá nhân, tổ chức ngoài VFF, Bộ VHTTDH, Chính phủ thì dù có gọi là tiền thưởng hay tiền được tặng thì khoản tiền này cũng không được xem là tiền thưởng - một dạng thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế theo điểm e, khoản 2, Điều 3 Luật Thuế TNCN.
3. VẬY KHOẢN TIỀN U23 VIỆT NAM NHẬN ĐƯỢC TỪ CÁC CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KINH TẾ GỌI LÀ TIỀN GÌ, CÓ CHỊU THUẾ TNCN HAY KHÔNG?
Như đã nói ở trên, khoản tiền mà U23 Việt Nam nhận được từ các cá nhân, tổ chức kinh tế (như nhận của bầu Kiên đang ở trong trại giam, của tập đoàn T&T của bầu Hiển...) là tiền được tặng.
Theo khoản 10, Điều 3 Luật Thuế TNCN thì chỉ đối với các thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng mới là thu nhập chịu thuế TNCN. Thu nhập từ tiền được tặng không chịu thuế TNCN.
Luật sư Đoàn Khắc Độ - Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn