- Về thuế GTGT:
Căn cứ khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
"Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
...
13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.
Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Ví dụ 7: Trung tâm đào tạo X được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề về đại lý bảo hiểm. Trung tâm đào tạo X giao nhiệm vụ đào tạo cho đơn vị Y thực hiện, Trung tâm đào tạo X tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ của Trung tâm đào tạo X thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
..."
=>> Theo quy định trên, đối với khoản thu về tiền ăn và tiền nội trú của Trường công lập thuộc đối tượng không nộp thuế GTGT. Do đó, bên anh không phải nộp thuế GTGT đối với khoản này.
- Về thuế TNDN:
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định:
"Điều 3. Phương pháp tính thuế
...
5. Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:
+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%.
Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%.
+ Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%.
+ Đối với hoạt động khác: 2%.
Ví dụ 3: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một (01) năm là 100 triệu đồng, đơn vị không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như sau:
Số thuế TNDN phải nộp = 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.
..."
Theo quy định trên, đối với trường học công lập có thu các khoản như tiền ăn, tiền dịch vụ bán trú thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%.
Tuy nhiên, tại Công văn 7686/BTC-CST năm 2017 về chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo do Bộ Tài chính ban hành thì Bộ Tài chính có đề xuất các khoản học phí của đơn vị sự nghiệp công lập nằm trong khung giá của cơ quan nhà nước quy định thì đơn vị sự nghiệp không phải đóng thuế TNDN đối với phần học phí này. Theo đó, nếu học phí của trường bao gồm của khoản thu về tiền ăn và tiền dịch vụ bán trú và nằm trong khung giá học phí đã ban hành thì sẽ không tính thuế đối với phần thu nhập từ khoản này.
Trường hợp này anh nên liên hệ thêm với cơ quan thuế tại địa phương để trao đổi thêm, vì công văn trên cũng mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính còn về quy định hướng dẫn chi tiết thì chưa thấy được cập nhật.