Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là gì? Việc treo biển hiệu của thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu được quy định như thế nào?
Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là gì?
Theo Khoản 15 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Khi nhận quyền bán lẻ xăng dầu, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 38/2014/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, cụ thể:
- Về hình thức: Hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu phải được lập thành văn bản.
- Về nội dung: Nội dung hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu có các nội dung chủ yếu sau:
+ Tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhượng quyền và bên nhận quyền; nội dung quyền bán lẻ xăng dầu; số lượng, chất lượng, chủng loại xăng dầu, cách thức giao nhận; giá cả, phí nhượng quyền định kỳ, phương thức thanh toán; các cam kết khác theo quy định của pháp luật và của Thông tư này;
+ Quy định cụ thể về việc cung cấp hoá đơn, chứng từ xăng dầu khi thực hiện hoạt động nhượng quyền; hoá đơn, chứng từ về hàng hoá lưu thông trên đường cho phương tiện vận tải xăng dầu theo quy định của Bộ Tài chính;
- Thời hạn hợp đồng: Thời hạn hợp đồng tối thiểu phải là mười hai (12) tháng.
Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu treo biển hiệu như thế nào?
Tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu có đề cập ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, phải sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân nhượng quyền, thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Thương mại về nhượng quyền thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.
Như vậy, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu có nghĩa vụ phải treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, phải sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân nhượng quyền.
Theo quy định hiện hành, cụ thể là Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 thì biển hiệu phải có các nội dung sau:
+ Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
+ Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Địa chỉ, điện thoại.
- Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 Luật quảng cáo 2012, cụ thể:
+ Nội dung biển hiệu thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.
+ Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
- Kích thước biển hiệu được quy định như sau:
+ Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
+ Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Hi vong nội dung trên có thể giúp ích được bạn!