Thuế nhà thầu là gì? Trường hợp nào phải nộp thuế nhà thầu? Ai là đối tượng nộp thuế nhà thầu?

Chủ đề   RSS   
  • #602165 27/04/2023

    thanhdat.nguyen1404
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:07/06/2022
    Tổng số bài viết (492)
    Số điểm: 4884
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 81 lần


    Thuế nhà thầu là gì? Trường hợp nào phải nộp thuế nhà thầu? Ai là đối tượng nộp thuế nhà thầu?

    Thuế nhà thầu là một khái niệm chắc hẳn những người thực hiện các công việc liên quan đến kế toán rất thường xuyên gặp phải, nhất là trong các giao dịch với phía nước ngoài. Vậy thuế nhà thầu là gì, cùng tìm hiểu tại bài viết sau.

     

    Thuế nhà thầu là gì?

     

    Thuế nhà thầu là một loại thuế đánh vào tổ chức, cá nhân nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ. 

     

    Thuế nhà thầu chia thành 2 loại thuế áp dụng trong 2 trường hợp:

     

    - Nếu nhà thầu nước ngoài là tổ chức kinh doanh thì thuế nhà thầu bao gồm 2 loại thuế sau: Thuế GTGT và Thuế TNDN.

     

    - Nếu nhà thầu nước ngoài là cá nhân kinh doanh thì thuế nhà thầu bao gồm 2 loại thuê sau: Thuế GTGT và Thuế TNDN.

     

    Trường hợp nào phải nộp thuế nhà thầu?

     

    Theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC có 5 trường hợp phải nộp thuế nhà thầu, cụ thể như sau:

     

    - Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.

     

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

     

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam.

     

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.

     

    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.

     

    Ai phải nộp thuế nhà thầu?

     

    Như đã đề cập phía trên, thuế nhà thầu là một loại thuế đánh vào nhà thầu nước ngoài. Do đó, đối tượng nộp thuế phải là nhà thầu nước ngoài. Tuy nhiên, đa số trường hợp chịu thuế nhà thầu, nhà thầu nước ngoài đều không có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay nói cách khác là không có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Vì vậy nếu thu thuế từ nhà thầu nước ngoài sẽ rất khó khăn. 

     

    Để xử lý trường hợp trên, pháp luật đã quy định, bên phía Việt Nam phải có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài nếu như nhà thầu nước ngoài không đáp ứng được 3 điều kiện sau:

     

    -  Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

     

    - Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực.

     

    - Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

     

    Theo đó, nếu nhà thầu nước ngoài thỏa 3 điều kiện trên thì phải tự thực hiện kê khai, nộp thuế. Còn nếu không thỏa đồng thời 3 điều kiện nêu trên bên phía Việt Nam (bên mua hàng hóa, dịch vụ) phải khấu trừ, kê khai, nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài.

     

    Trên đây là một số nội dung liên quan đến thuế nhà thầu, hy vọng bài viết giúp bạn đọc hiểu thêm về loại thuế này.

     

     

     
    8075 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận