Thuê người không có chứng chỉ hành nghề kế toán về làm kế toán công ty

Chủ đề   RSS   
  • #601745 12/04/2023

    MewBumm
    Top 50
    Male
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:26/09/2017
    Tổng số bài viết (1972)
    Số điểm: 13243
    Cảm ơn: 16
    Được cảm ơn 254 lần


    Thuê người không có chứng chỉ hành nghề kế toán về làm kế toán công ty

    Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề kế toán muốn làm việc ở nhiều công ty khác nhau thì có được không và việc tham gia bảo hiểm đối với họ như thế nào?
     
    Giao kết hợp đồng làm kế toán với người không có chứng chỉ hành nghề kế toán
     
    Liên quan đến công việc kế toán, tại Điều 58 Luật Kế toán 2015 có nêu điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới hình thức doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải là người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên kèm theo các điều kiện sau đây:
     
    - Có năng lực hành vi dân sự;
     
    - Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;
     
    - Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.
     
    Theo đó, để cung cấp dịch vụ kế toán dưới tư cách cá nhân thì người đó phải có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên. Trường hợp cá nhân chưa không có chứng chỉ nên không thể cung cấp dịch vụ kế toán với tư cách cá nhân (hộ kinh doanh) cho công ty được.
     
    Thay vào đó, tại Điều 51 Luật Kế toán 2015 có nêu về tiêu chuẩn của người làm kế toán với 2 điều kiện chung là:
     
    - Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
     
    - Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
     
    Căn cứ theo đó, công ty không thể thuê dịch vụ với cá nhân không có chứng chỉ nhưng có thể ký hợp đồng lao động với cá nhân này rồi bố trí họ làm vị trí kế toán. Lúc này, cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, trừ trường hợp yêu cầu làm kế toán trưởng.
     
    Một người có thể ký hợp đồng lao động làm kế toán tại nhiều công ty cùng lúc không?
     
    Theo Điều 19 Bộ Luật lao động 2019 có nêu rằng người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Căn cứ quy định này, cá nhân hoàn toàn có quyền ký hợp đồng lao động với nhiều công ty để cùng làm công tác kế toán, miễn sao đảm bảo được việc thực hiện hợp đồng như đã cam kết với các người sử dụng lao động.
     
    Lưu ý ở đây khi ký hợp đồng lao động công việc kế toán là các nội dung về bảo mật thông tin, làm việc cho đối thủ cạnh tranh, các trường hợp không được làm kế toán,... Tại một số công ty sẽ có các ràng buộc, điều kiện khác nhau được nêu trong hợp đồng khi giao kết với người lao động. Vì vậy, người lao động cần đọc kỹ hợp đồng của mình để tuân thủ đúng các nội dung đã ký. Nếu không ràng buộc các nội dung trên thì cá nhân muốn làm kế toán cho bao nhiêu công ty cũng được.
     
    Tham gia Bảo hiểm xã hội cho kế toán ký hợp đồng với nhiều công ty
     
    Đối với vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội, khi cá nhân giao kết hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp đã tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty khác thì việc xử lý áp dụng theo Khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 theo hướng đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất, đóng BHTNLĐ, BNN theo từng HĐLĐ.
     
    Theo đó, người lao động sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tại nơi ký hợp đồng lao động đầu tiên. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm xã hội khi ký hợp đồng đồng lao động được nêu tại Điều 168 Bộ Luật lao động 2019 như sau:
     
    Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động;
     
    - Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
     
    - Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
     
    Căn cứ quy định trên, khi người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty khác theo hợp đồng lao động đầu tiên, các công ty sau không phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng sẽ phải trả vào lương cho người lao động khoản tiền đáng lẽ phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ.
     
    244 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận