Thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến vật nuôi cũng như vấn đề về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy pháp luật quy định các biện pháp xử lý khi thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng, cụ thể trong bài viết dưới đây.
Thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 13/2020/NĐ-CP thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:
- Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi;
- Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi giám sát;
- Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;
- Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;
- Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.
Ngoài ra tổ chức, cá nhân bị áp dụng các biện pháp xử lý nêu trên phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý. Nếu thức ăn chăn nuôi vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, bố trí kinh phí để xử lý.
Giám sát việc tiêu hủy đối với thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 13/2020/NĐ-CP thì việc giám sát tiêu hủy đối với thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng được thực hiện như sau:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát việc tiêu hủy đối với thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng trên địa bàn, lập biên bản giám sát theo thẩm quyền và giám sát khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Biên bản giám sát việc tiêu hủy thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng phải có các thông tin sau: Căn cứ pháp lý, lý do; thời gian, địa điểm; thành phần tham gia; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng sản phẩm; biện pháp tiêu hủy và các nội dung cần thiết khác.
Biên bản giám sát tiêu hủy phải được xác nhận của đại diện các bên tham gia giám sát và tổ chức, cá nhân có sản phẩm bị tiêu hủy.
Như vậy khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện việc giám sát tiêu hủy thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng và lập thành biên bản theo quy định pháp luật.
Theo đó Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng có thể bị xử lý bằng các biện pháp như: buộc tái xuất, tiêu hủy, tái chế, chuyển mục đích sử dụng hoặc cải chính thông tin và chịu mọi chi phí xử lý. Nếu thức ăn chăn nuôi vô chủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ tổ chức và chi trả chi phí xử lý.