Căn cứ tại khoản 1 Điều 26 Bộ Luật lao động 2012, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Vậy thỏa thuận về việc làm thử ở đây là những nội dung gì? và nội dung gì không phải là thỏa thuận khi thử việc? Bởi khi thử việc sẽ có những nội dung xoay quanh về công việc như: cần làm gì, cần làm như thế nào, nội quy công ty ra sao và người lao động sẽ nhận được gì khi thử việc... đó đều là những thỏa thuận.
Thực tế, nhiều công ty không giao kết hợp đồng thử việc với người lao động. Căn cứ Khoản 2 Điều 29 Bộ Luật lao động 2012 thì trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
Nếu người lao động không đạt yêu cầu hoặc hủy bỏ thỏa thuận thử việc hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt thỏa thuận thì người sử dụng lao động vẫn phải trả tiền lương trong thời gian thử việc với mức lương thỏa thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Nếu công ty cố tình không trả thì người lao động có thể khiếu nại lên lãnh đạo công ty. Công ty giải quyết không thỏa đáng thì người lao động có quyền khiếu nại lên Chánh thanh tra sở Lao động thương binh và xã hội.
Việc thỏa thuận bằng lời nói sẽ khó để cho người lao động chứng minh về thời gian làm việc và những thỏa thuận khác khi tham gia lao động. Người lao động cần chú ý đến việc giao kết hợp đồng, bao gồm hợp đồng thử việc hay hợp đồng lao động.
Do đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những quy định bắt buộc về việc giao kết hợp đồng thử việc bằng văn bản đối với các công việc không là thời vụ được chặt chẽ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.