1. Thủ tục đối với cơ quan thuế
Theo thông tin bạn cung cấp, không rõ doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở của mình có dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hay không? (Ví dụ như: Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; Doanh nghiệp do Chi cục Thuế quản lý thay đổi địa chỉ trụ sở trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng khác quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh).
Trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở của mình có dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì doanh nghiệp phải nộp Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế (mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp của mình.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục sau:
- Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng các hóa đơn đã đặt in đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ thì:
+ Đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng;
+ Và gửi Thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn (theo mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Trường hợp không muốn tiếp tục sử dụng hóa đơn cũ: Doanh nghiệp thực hiện hủy bỏ hóa đơn cũ và thông báo phát hành hóa đơn mới.
Hiện nay, khi có sự thay đổi thông tin đăng ký thuế thì doanh nghiệp tiến hành thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở; chứ không thực hiện thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi nhận thông báo sẽ cập nhật dữ liệu vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và chuyển thông tin sang cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
2. Tăng vốn điều lệ có nộp thêm lệ phí môn bài?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC về mức thu lệ phí môn bài:
"Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài
1. Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hướng dẫn tại khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Tổ chức nêu tại điểm a, b khoản này có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.[...]"
Do đó, trường hợp doanh nghiệp bạn tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng thì trong năm sẽ không phải nộp thêm tiền lệ phí môn bài. Tuy nhiên, mức nộp lệ phí môn bài năm sau sẽ căn cứ vào mức vốn điều lệ năm nay (15 tỷ đồng): tức phải nộp 3.000.000 đồng/năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC).