Thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự

Chủ đề   RSS   
  • #602128 27/04/2023

    Thủ tục kháng cáo trong tố tụng hình sự

    Kháng cáo là một thủ tục trong tố tụng hình sự, khi đã có bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm nhưng chưa có hiệu lực pháp luật thì những người có quyền kháng cáo bản án, quyết định nếu không đồng ý phán quyết của Tòa án sơ thẩm thì có thể yêu cầu tòa cấp trên xét xử một lần nữa theo trình tự phúc thẩm.

    I. Người có quyền kháng cáo bản án, quyết định hình sự

    Theo quy định Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người có quyền kháng cáo là:

    - Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

    - Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

    - Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

    - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

    - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

    - Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

    Như vậy, những đối tượng được quy định trên sẽ có quyền kháng cáo bản án, quyết định hình sự sơ thẩm của Tòa án.

    II. Thủ tục kháng cáo bản án, quyết định hình sự

    1. Hồ sơ kháng cáo bản án, quyết định hình sự.

    - Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

    + Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

    + Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;

    + Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;

    + Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

    Ngoài ra, cần kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

    Cơ sở pháp lý: Khoản 2, 3 Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    2. Trình tự thực hiện thủ tục kháng cáo bản án, quyết định hình sự.

    Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo và nộp đơn kháng cáo hoặc kháng cáo trực tiếp

    - Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.

    Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam thì Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

    - Ngoài ra, người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo. 

    Nếu Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

    Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    Bước 2: Tiếp nhận và xử lý kháng cáo

    - Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    - Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật này.

    - Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ.

    - Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.

    - Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.

    Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

    Cơ sở pháp lý: Điều 334 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

    Bước 3: Thụ lý vụ án và tiến hành xét xử theo thủ tục phúc thẩm

    - Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

    - Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án và tiến hành các bước chuẩn bị xét xử và xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. 

    Cơ sở pháp lý: Điều 340 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

     
     
    354 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận