Đặt cọc mua bán nhà đất là gì?
Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.”
Như vậy, đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; đặt cọc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là khi chuyển nhượng nhà đất.
Thủ tục đặt cọc mua bán nhà đất gồm những bước gì?
Bước 1: Soạn thảo hợp đồng đặt cọc mua nhà
Sau khi các bên thỏa thuận về việc đặt cọc mua nhà, việc đầu tiên cần thực hiện là cùng thỏa thuận và soạn thảo ra hợp đồng đặt cọc mua nhà. Bởi lẽ, hợp đồng đặt cọc mua nhà là văn bản ghi chép lại sự thỏa thuận về khoản đặt cọc giữa hai bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc trong quá trình giao dịch mua bán nhà đất, khi xảy ra tranh chấp thì có căn cứ chứng minh.
Bên mua và bên bán có quyền thỏa thuận các vấn đề của hợp đồng đặt cọc; nhưng nhìn chung hợp đồng đặt cọc có những nội dung sau:
- Thông tin 2 bên tham gia ký kết hợp đồng: bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc.
- Đối tượng hợp đồng: đó chính là tài sản đặt cọc.
- Mục đích đặt cọc.
- Giá chuyển nhượng kèm theo phương thức đặt cọc, thanh toán.
- Trách nhiệm tiến hành công chứng chuyển nhượng hoặc đăng ký sang tên.
- Thời hạn đặt cọc.
- Quyền và nghĩa vụ của 2 bên.
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
- Cam đoan của từng bên.
- Xác nhận của hai bên: ký và ghi rõ họ tên.
Bước 2: Ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà
Sau khi thống nhất xong các nội dung của hợp đồng, các bên thực hiện ký kết hợp đồng; ký và ghi rõ họ tên bên mua và bên bán. Lưu ý khi ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà:
Cần có người trung gian làm chứng:
- Khi tiến hành giao dịch đặt cọc mua nhà; người làm chứng đóng một vai trò quan trọng. Họ sẽ là trung gian, minh chứng cho việc ký kết, giao dịch đặt cọc giữa hai bên.
- Người làm chứng này phải không có bất cứ mối quan hệ họ hàng, thân quen gì với một trong hai bên giao dịch. Hơn nữa, trong hợp đồng, họ cần ký, điểm chỉ, lời xác nhận rõ ràng. Có như vậy, hợp đồng mới được công nhận, đảm bảo tính pháp lý.
Bước 3: Thực hiện hợp đồng đặt cọc mua nhà
Sau khi ký kết hợp đồng xong thì trong thủ tục đặt cọc mua bán nhà không thể thiếu đi việc thực hiện việc chuyển tiền đặt cọc. Việc thanh toán này nên thực hiện tại ngân hàng; người mua nên để tiền trong tài khoản. Sau đó, khi tiến hành thanh toán tiền đặt cọc thì chỉ cần chuyển khoản cho bên bán; điều này vừa giúp bạn không mất thời gian kiểm đến lại có cơ sở bằng chứng.
Hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải công chứng/chứng thực không?
Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào quy định hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực mà chỉ quy định công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, để tránh tranh chấp hoặc các rủi ro khác thì các bên nên công chứng hoặc chứng thực. Trên thực tế nhiều trường hợp vì tin tưởng nên chỉ đưa tiền đặt cọc mà không có giấy tờ ghi nhận về việc giao nhận tiền đặt cọc dẫn tới tranh chấp.