Thành lập phòng thí nghiệm cần đáp ứng và tuân thủ các điều kiện và thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ như sau:
Trình tự thành lập phòng thí nghiệm:
– Chủ thể tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan thành lập xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi cho các cơ quan liên quan có ý kiến thẩm định về hồ sơ.
– Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của các cơ quan liên quan thì cơ quan có thẩm quyền thành lập tiến hành xem xét và ra quyết định thành lập phòng thí nghiệm. Trong trường hợp không đồng ý thành lập thì phải thông báo bằng văn bản nêu lý do không chấp thuận cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan biết.
Hồ sơ đề nghị thành lập phòng thí nghiệm:
Chủ thể có thẩm quyền tiến hành chuẩn bị hồ sơ thành lập phòng thí nghiệm, hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;
– Tờ trình về việc thành lập phòng thí nghiệm theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Đại diện phòng thí nghiệm phải lập tờ trình theo mẫu để thể hiện mong muốn thành lập phòng thí nghiệm cũng như là cơ sở để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về việc thành lập đó.
– Các đề án thành lập phòng thí nghiệm, nội dung đề án bao gồm quy mô hoạt động, hình thức hoạt động, các phương án đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe con người cũng như an toàn về tài sản, các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn vệ sinh, các chương trình nghiên cứu, thực hiện thí nghiệm…
– Dự thảo Điều lệ của phòng thí nghiệm, quy định về tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm, các quyền và nghĩa vụ của thành viên, nhân viên phòng thí nghiệm và các vấn đề nội bộ trong phòng thí nghiệm.
– Dự thảo quyết định thành lập phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền.
– Các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác theo yêu cầu.