Những vấn đề mà bạn mynhan200890 đặt ra ở trên về mặt thủ tục, nó được gọi chung là thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Cụ thể, việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh này xuất phát từ các nguyên nhân:
(i) Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do thay đổi thành viên góp vốn (chuyển nhượng vốn góp của thành viên công ty) ;
(ii) Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do thay đổi địa điểm của trụ sở công ty
(iii) Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do thay đổi người đại diện pháp luật
Về thủ tục, hồ sơ để thực hiện thay đổi các nội dung trên thì không có gì phức tạp, Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh cũng đã hướng dẫn rất rõ hoặc bạn có thể tham khảo website của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi mà công ty bạn có trụ sở để biết thêm chi tiết.
Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không làm mất đi tư cách pháp nhân của công ty (vẫn giữ nguyên số đăng ký doanh nghiệp). Toàn bộ quyền và nghĩa vụ của công ty đối với bên thứ ba không bị ảnh hưởng. Do đó, khoản nợ ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng bởi việc chuyển nhượng vốn góp và chủ sở hữu không nhất thiết phải trả hết nợ ngân hàng trước khi thực hiện việc chuyển nhượng. Tuy nhiên, khoản nợ ngân hàng này sẽ ảnh hưởng đến giá chuyển nhượng phần vốn góp.
Thường thì trước khi quyết định mua bán phần vốn góp, người mua sẽ tiến hành thủ tục thẩm định (Due Diligence) tình trạng của công ty mục tiêu trước khi mua. Tuy nhiên, do bạn là bên bán, bạn biết rõ tình trạng hoạt động công ty của mình nên tôi không đề cập sâu việc thẩm định công ty mục tiêu mà chỉ đề cập đến việc thay đổi thành viên góp vốn. Nếu công ty của bạn kinh doanh ngành nghề mà pháp luật đòi hỏi thành viên công ty phải có chứng chỉ hành nghề thì Người nhận chuyển nhượng đó cũng phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ hành nghề.
Thay đổi địa chỉ công ty có phải in hóa đơn lại không? Do bạn không nói rõ là địa chỉ công ty bạn thay đổi vẫn nằm trên cùng một quận huyện hay khác quận huyện, tỉnh/thành phố nên không thể trả lời chính xác cho bạn được. Tuy nhiên, theo Thông tư 64/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/5/2013 thì:
- Đối với trường hợp không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp: Khi có sự thay đổi tên, địa chỉ kinh doanh, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoá đơn đã đặt in chưa sử dụng hết thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp
- Đối với trường hợp không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp: Khi có sự thay đổi tên, địa chỉ kinh doanh, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoá đơn đã đặt in chưa sử dụng hết thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp
Ngoài ra, nếu việc địa chỉ công ty thay đổi sang địa bàn quận khác, bạn cần phải làm thủ tục để thay đổi con dấu.
Về lao động nước ngoài. Theo như bạn trình bày thì lao động nước ngoài này là người được thuê để làm người đại diện theo pháp luật chứ không phải thành viên công ty. Do đó, theo Điều 9 Nghị định số 34/2008/NĐ-CP về Quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì bạn phải thực hiện thủ tục xin giấy phép lao động cho người đại diện pháp luật. Trình tự thủ tục việc xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài bạn có thể tham khảo thêm Nghị định số 34/2008/NĐ-CP hoặc liên hệ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty bạn định chuyển trụ sở đến để được hướng dẫn chi tiết.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp