Khi ứng viên đạt yêu cầu trong vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ gửi thư mời thử việc đến ứng viên và được nhận vào thử việc trong doanh nghiệp đó.
Thông thường, thư mời phỏng vấn sẽ được gửi trực tiếp bằng email để có thể đến với ứng viên sớm nhất. Nội dung trong thư thường là họ tên ứng viên, ngày/giờ nhận việc, vị trí, thời gian, tiền lương,… trong quá trình này.
Căn cứ vào Điều 24 Bộ luật lao động 2019 quy định, hợp đồng thử việc là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử. Bên cạnh đó nội dung trong hợp đồng thử việc bao gồm:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Có thể thấy, nội dung của thư mời và hợp đồng thử việc có vài nét tương đồng với nhau, tuy nhiên thư mời chỉ là một lời mời xuất phát từ phía nhà tuyển dụng, trong khi đó hợp đồng thử việc là văn bản thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ. Vì vậy, nhiều người đã nhầm tưởng thư mời thử việc với hợp đồng thử việc. Nhưng đây là hai loại văn bản khác nhau.
Như vậy, thư mời thử việc sẽ không có giá trị pháp lý cũng không được coi là hợp đồng thử việc, ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ giữa người lao động với người sử dụng lao động.