Một khi Nhà nước bỏ tiền ra để xây dựng đường, trường, trạm là nhằm thu về lợi ích ở tầm vĩ mô (phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…) chứ không phải để ăn cái lợi nhỏ nhoi thiển cận (tăng giá đất).
Riêng đối với việc thu hồi đất của người dân để mở đường rộng hơn là Nhà nước đặt vào đó mục tiêu phát triển giao thông, kết nối giao thông vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế của một khu vực hoặc một vùng miền nhất định (thu hút đầu tư, tiết kiệm chi phí vận chuyển…). Ngoài những lợi ích chủ yếu đó, với việc giá đất hai bên đường tăng lên cũng giúp Nhà nước có những khoản gián thu khác (thuế thu nhập do chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân dễ dàng làm ăn hơn nên kiếm nhiều tiền hơn thì nhà nước tăng nguồn thuế thu nhập…).
Suy cho cùng và đến tận cũng của vấn đề là một khi Nhà nước thu hồi đất để mở đường thì Nhà nước và Nhân dân cùng hưởng lợi. Nhà nước được những cái lợi như đề cập ở trên, còn Nhân dân được cái lợi là tăng cơ hội làm ăn cũng như giá trị nhà đất tăng thêm (trước khi mở rộng đường thì nhà đất họ 100m2, giờ mở rộng đường tuy nhà đất chỉ còn 50m2 nhưng tổng giá trị vẫn cao hơn; có nhà trước kia là hẻm giờ trở thành mặt tiền). Bởi vậy, khi Nhà nước mở rộng đường thì người dân đồng lòng phối hợp với Nhà nước để bàn giao mặt bằng; riêng những hộ bị Nhà nước thu hồi hết đất hoặc phần đất còn lại không đảm bảo đủ diện tích xây dựng thì Nhà nước đền bù với giá hợp lý (theo giá thị trường) thì Nhân dân tâm phục, khẩu phục.
Thế nhưng, TP.HCM lại có ý định thu hồi đất hai bên đường mới (nghĩa là thay vì thu đủ phần đất để làm đường thì thu thêm phần đất còn lại, ở đây có thể là phần nhà đất còn lại hoặc phần nhà đất của cái hẻm phía sau) để bán đấu giá. Việc này, chẳng khác nào chính quyền TP.HCM đang tính toán nhỏ nhoi với dân, sợ dân được hưởng lợi từ việc giá đất tăng lên do mở đường mà giành phần lợi của Nhân dân. Xin thưa, việc làm này của chính quyền TP.HCM là trái với quy định của pháp luật đất đai, cũng như không phù hợp với thực tiễn, dễ gây bức xúc trong Nhân dân và có thể làm xấu đến đại cục. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, xét trên quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2013 thì trường hợp thu hồi đất hai bên đường mới không thể coi là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà ở đây chính là để lợi cho nguồn thu của chính quyền TP.HCM; người dân chẳng được lợi gì cả (lẽ ra họ được hưởng quyền lợi giá đất tăng như bao năm qua, giờ thì không còn nữa).
Thứ hai, xét về thực tiễn, khi chính quyền TP.HCM thu hồi đất hai bên đường mới thì bồi thường với giá nào? Về nguyên tắc thì phải đền bù với giá thị trường, nhưng đã thu hồi với giá thị trường thì bán đấu giá ai thèm mua? Có lẽ ở đây sẽ thu hồi với “giá thị trường trước khi mở đường” để bán đấu giá kiếm lời. Khi ấy, người dân sẽ nãy sinh bức xúc là thu đất của tôi chỉ đền bù với giá A đồng, nhưng bán đấu giá thì là n.A đồng; từ đó họ thấy chính quyền giành đất của họ.
Thông qua đây, tôi mong Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần sớm xem xét vấn đề này, đừng để mang tiếng chính quyền TP.HCM tính toán nhỏ nhoi với dân, giành quyền lợi của Nhân dân.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.