Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trong thời gian tiếp nhận ý kiến sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện Thông tư này. Tại Thông tư này, một số nội dung được làm rõ:
1. Chi tiết cụ thể các khoản phụ cấp lương
- Bù đắp yếu tố điều kiện lao động, như môi trường lao động có nhiệt độ không khí, bức xạ, độ ẩm, tốc độ gió, áp lực không khí, nồng độ hơi khí độc, nồng độ bụi, tiếng ồn, siêu âm, rung xóc, bức xạ điện từ, bức xạ ion hóa, các sinh vật có hại cho sức khỏe; tính chất công việc ảnh hưởng đến tâm sinh lý lao động như làm biến đổi tim mạch và hô hấp, vị trí và tư thế lao động gò bó không thuận lợi, nhịp điệu cử động cơ thể nhiều, đơn điệu, thị giác, thần kinh căng thẳng, mệt mỏi.
- Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc, như công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo, mối quan quan hệ công tác, giao tiếp, sự phối hợp của người lao động trong quá trình làm việc, sự sáng tạo của người lao động để đáp ứng công việc.
- Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt, như công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu xấu, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, nơi khó khăn về nhà ở, công việc người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của người lao động không thuận lợi khi thực hiện công việc.
- Bù đắp các yếu tố để mức độ thu hút lao động, như thu hút người đến làm ở vùng kinh tế mới, vùng có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn, làm những công việc khả năng cung ứng lao động của thị trường còn hạn chế, khuyến khích người lao động làm việc chăm chỉ, hăng say để có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.
2. Cụ thể cụm từ “tiền thưởng”, “các khoản hỗ trợ, trợ cấp”
- Tiền thưởng là khoản tiền được trích từ lợi nhuận sau thuế của người sử dụng lao động để thưởng cuối năm hoặc thường kỳ, đột xuất cho người lao động trên cơ sở năng suất lao động và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp là các khoản mà người sử dụng lao động hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động, nhưng không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, như: ma chay, hiếu, hỉ, sinh nhật, hoặc các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn.
3. Quy định về việc trả lương đối với Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
Mức lương theo công việc hay chức danh trong thang lương, bảng lương, chế độ phụ cấp lương thực hiện theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP.
4. Mức lương tiền lương tối thiểu
- Mức lương trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động, thời giờ làm việc bình thường và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
- Tiền lương trả cho người lao động hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn tiền lương ghi trong hợp đồng lao động (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm).
5. Hình thức trả lương áp dụng cho từng đối tượng
- Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ), áp dụng đối với những người làm công tác quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; những người làm các công việc theo dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị và những người làm các công việc mà trả lương thời gian có hiệu quả hơn các hình thức trả lương khác.
- Tiền lương theo sản phẩm, áp dụng đối với cá nhân hoặc tập thể người lao động, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm được giao.
- Tiền lương khoán, áp dụng đối với cá nhân hoặc tập thể người lao động, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.
Xem chi tiết dự thảo Thông tư này tại đây.