Ngày 17/04/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.
(1) Nguyên tắc và yêu cầu lập báo cáo tài chính
Tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định về nguyên tắc và yêu cầu lập báo cáo tài chính như sau:
- Phải được lập trên căn cứ thông tin, số liệu kế toán sau khi đã khóa sổ kế toán.
- Phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung và phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán. Trường hợp trình bày không nhất quán, thì đơn vị kế toán phải thuyết minh rõ lý do.
- Phải được phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo. Đồng thời, phải trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị kế toán. Đơn vị kế toán phải thuyết minh đầy đủ các thông tin, số liệu đã trình bày trên Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC.
- Thông tin, số liệu trình bày phải bao gồm toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong phạm vi đơn vị kế toán. Số liệu trình bày trên các chỉ tiêu của báo cáo tài chính phải phù hợp và thống nhất với số liệu đã ghi sổ kế toán các tài khoản tương ứng.
Việc bỏ sót thông tin, số liệu các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh trong năm không trình bày trên báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được coi là hành vi để ngoài sổ kế toán.
- Phải bao gồm thông tin tài chính của bản thân đơn vị kế toán và các đơn vị hạch toán phụ thuộc. Riêng các giao dịch nội bộ phát sinh trong năm của đơn vị kế toán phải được loại trừ hết trước khi lập báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này.
- Phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định, nội dung thông tin, số liệu phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, tin cậy, thông tin, số liệu phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.
- Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp làm thay đổi thông tin, số liệu trình bày trên báo cáo tài chính đã được nộp cho cơ quan có thẩm quyền hoặc đã được công khai.
Trường hợp phải điều chỉnh thông tin, số liệu trình bày trên báo cáo tài chính đã được nộp hoặc đã được công khai, thì phải đảm bảo các nguyên tắc điều chỉnh thông tin, số liệu theo quy định tại Thông tư 24/2024/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 24/2024/TT-BTC cũng quy định đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính năm cho kỳ kế toán kết thúc vào ngày 31/12 theo quy định của Luật Kế toán 2015.
Báo cáo tài chính phải được nộp trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định.
(2) Sửa chữa thông tin, số liệu trên sổ kế toán
Theo Điều 7 Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định về sửa chữa thông tin, số liệu trên sổ kế toán như sau:
Giai đoạn từ 01/01 đến 31/12 (trong năm): Theo đó, khi phát hiện có sai sót đã được ghi sổ kế toán trong năm thì đơn vị điều chỉnh, sửa chữa vào sổ kế toán của năm hiện tại.
Trường hợp các sai sót phát hiện liên quan đến cả thông tin, số liệu đã hạch toán tài khoản trong bảng và tài khoản ngoài bảng, thì ngoài việc điều chỉnh, sửa chữa thông tin, số liệu đã hạch toán tài khoản trong bảng phải đồng thời điều chỉnh, sửa chữa thông tin, số liệu đã hạch toán tài khoản ngoài bảng, đảm bảo chính xác, khớp đúng.
Sửa chữa sau 31/12 (ngày khóa sổ) liên quan đến quyết toán chi phí hoạt động: Xem chi tiết tại Thông tư 24/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.
(3) Các đơn vị có thể tự thiết kế chứng từ kế toán
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 24/2024/TT-BTC quy định về chứng từ kế toán như sau:
- Các đơn vị kế toán được tự thiết kế chứng từ để phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh phù hợp với yêu cầu quản lý, đảm bảo đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán. Ngoại trừ trường hợp đã có quy định mẫu biểu chứng từ kế toán tại các văn bản pháp luật có liên quan.
- Chứng từ kế toán do đơn vị tự thiết kế phải phản ánh đúng bản chất của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, tuân thủ các nội dung quy định tại Luật Kế toán 2015, phù hợp với thông tin cần ghi sổ kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị.
- Đối với các đơn vị kế toán/hoạch toán sử dụng chứng từ được in sẵn thì phải bảo quản cẩn thận, không được để hư hỏng, mục nát.
- Đối với loại chứng từ kế toán được cơ quan có thẩm quyền quy định phải quản lý riêng biệt, chặt chẽ như tiền, thì đơn vị phải thực hiện đúng quy trình quản lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Từ ngày Thông tư 24/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành là 01/01/2025 thì các văn bản sau đây sẽ hết hiệu lực thi hành, cụ thể:
- Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.
- Thông tư 108/2018/TT-BTC hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia.
- Thông tư 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.
- Thông tư 79/2019/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.