Chiều 23/3, phiên họp Hội đồng Thẩm phán tháng 3 của Tòa án nhân dân Tối cao đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
Nghị quyết đã bổ sung một số trường hợp có thể cho hưởng án treo, gồm: Người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết "đã bị xử lý kỷ luật" hoặc "đã bị xử phạt vi phạm hành chính" hoặc "đã bị kết án" và có đủ các điều kiện khác cũng có thể cho hưởng án treo; Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn, có quyết định truy nã nhưng đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử; Người phạm tội bị xét xử cùng một lần về 2 tội nhưng các tội phạm đã thực hiện đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội tham gia là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.
Việc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ công lý, công bằng khi cho bị cáo hưởng án treo; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật; đồng thời bảo đảm thống nhất với các đạo luật có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Trước đó, ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo (Nghị quyết 02).
Nghị quyết 02 đã tạo sự thống nhất, khắc phục được một số quy định chưa rõ ràng tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự, giúp các Thẩm phán trong việc áp dụng pháp luật về án treo, tránh những sai sót, ban hành những bản án đúng quy định, hợp tình, hợp lý; tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, giúp cho việc áp dụng, vận dụng pháp luật của Tòa án chính xác.
Bên cạnh kết quả đạt được, sau 3 năm thi hành Nghị quyết 02, một số hướng dẫn của Nghị quyết đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc như quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo (Điều 3) còn chưa phù hợp với thực tiễn xét xử và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chưa có hướng dẫn về việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam của người được hưởng án treo; hướng dẫn về trường hợp người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo (Điều 10) còn chưa cụ thể, khó áp dụng; hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách (Điều 9) chưa phù hợp với quy định mới của Luật Thi hành án hình sự năm 2019.