Trong những năm gần đây, vấn đề người chưa thành niên phạm tội đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh đáng báo động. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an (http://mps.gov.vn) chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn cả nước có 13.572 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, tăng nhiều lần so với những năm trước cả về số lượng phạm tội lẫn các vụ trọng án. Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng. Trong đó, tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Tuy nhiên, khi xét xử một số vụ án do người chưa thành niên gây ra (nhất là một số vụ trọng án) trong thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo là người chưa thành niên chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội. Điều này đặt ra vấn đề là: Vậy thế nào là người chưa thành niên, có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội hay không?. Sau đây xin được đưa ra một vài ví dụ cụ thể về các vụ án do người chưa thành niên gây ra trong thời gian vừa qua.