Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ba loại hình thức giao kết hợp đồng chính, bao gồm: hình thức giao kết bằng lời nói, văn bản và bằng hành vi cụ thể. Đối với mỗi hình thức lại có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, với hình thức bằng văn bản, ưu điểm của hình thức này có giá trị pháp lý cao, các thỏa thuận được ghi nhận rõ ràng tạo cho các bên trong giao dịch dễ dàng thực hiện được mục tiêu của công việc. Đồng thời cũng dề dàng phát hiện những hành vi vi phạm hợp đồng. Thêm vào đó, đối tượng của hợp đồng thường có giá trị cao, những giao dịch trong hợp đồng mang tính phức tạp, vì vậy mà các bên thường chủ yếu lựa chọn hình thức này trong các giao dịch dân sự, kinh tế thương mại.
Mặt khác, theo một số quan điểm của nhiều người làm công tác pháp lý cho rằng văn bản được đồng nghĩa với giấy tờ. Vậy, các thông điệp dữ liệu có được ghi nhận về mặt pháp lý rằng chúng có giá trị tương đương như văn bản hay không ? Các nhà làm luật có nên mạnh dạn ghi nhận giá trị pháp lý một cách đầy đủ của các thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử hay không ?
Chúng tôi - đại diện cho Văn phòng Luật NewVision có một số nhận định về các căn cứ xác định tính pháp lý của vấn đề này như sau:
Theo điều 121 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Về hình thức của giao dịch dân sự, Điều 124 BLDS cũng khẳng định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
Thông điệp dữ liệu trong giao dịch thương mại điện tử được công nhận trong BLDS có giá trị pháp lý như văn bản. Tuy nhiên, những điều này chưa thể đánh giá được đầy đủ tính pháp lý của chứng cứ giao dịch điện tử. Các nhà làm luật cần đưa ra những căn cứ chứng minh giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu.
Luật GDĐT đã quy định rõ thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Chúng có giá trị như văn bản. Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, điện tín, điện báo, fax, thư điện tử và các hình thức tương đương khác. Trong trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này khi thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng để tham chiếu khi cần thiết. Các trường hợp pháp luật quy định phải thực hiện bằng văn bản thường là các loại giao dịch tài sản có đăng ký. Các loại giao dịch này đòi hỏi hình thức là văn bản trên giấy và không tiến hành qua mạng. Tương tự như các văn bản trên giấy, các giao dịch thương mại điện tử khi cần phải có chữ ký điện tử để ràng buộc chủ thể với những quy định trong điều luật. Chữ ký điện tử có khả năng nhận dạng một người, giúp cho việc xác minh cho tính toàn vẹn của nội dung thông tin chứa trong văn bản, tạo tính chắc chắn về mối quan hệ của người đó và hành vi ký và cho thấy việc người đó chấp nhận tài liệu ký. Để thừa nhận giá trị chứng cứ của văn bản điện tử vấn đề xem xét và thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng như vấn đề bản gốc cũng phải song song đặt ra.
Tại Điều 12 Luật GDĐT cũng khẳng định thông điệp có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện:
-
Nội dung của thông điệp dữ liệu được đảm bảo toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Nội dung của thông điệp dữ liệu được coi là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu.
-
Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Như vậy, giá trị “bản gốc” có liên quan chặt chẽ đến vấn đề chữ ký và văn bản trong môi trường kinh doanh điện tử. Trong giao dịch điện tử vẫn có thể tạo ra được bản sao giống hệt như bản gốc một cách dễ dàng. Điều quan trọng ở đây là nội dung dữ liệu do một người khởi tạo không bị thay đổi, đảm bảo tính nguyên vẹn của dữ liệu.
Đặc biệt, Luật GDĐT cũng nhấn mạnh thông điệp dữ liệu có thể làm chứng cứ, công nhận rằng thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị đánh giá thông điệp dữ liệu của thông điệp dữ liệu được dựa trên các yếu tố, bao gồm:
- Độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu.
- Cách thức đảm bảo và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu.
- Cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Tại khoản 1 BLTTDS sửa đổi bổ sung 2011 quy định nguồn chứng cứ được thu thập từ các tài liệu đọc được, nhìn được. Và tại điểm 2 mục II Nghị quyết 04 HĐTP ngày 17/9/2005 thì việc xác định chứng cứ được quy định cụ thể như sau: “Các tài liệu nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó… nếu đương sự không xuất trình các văn bản nêu trên thì tài liệu nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ”.
Đồng thời, Luật Thương Mại 2005 cũng đưa ra nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại. Cụ thể tại điều 15 của Luật này quy định: Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận giá trị pháp lý như văn bản. Đối với thông tin trích xuất từ trang thông tin điện tử, theo Điều 23 Luật Công nghệ Thông tin (có hiệu lực ngày 01/01/2007) “Tổ chức, cá nhân có quyền thiết lập trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm quản lý nội dung và hoạt động trang thông tin điện tử của mình”.
Như vậy, chủ thể muốn cung cấp thông điệp dữ liệu làm chứng cứ cho cơ quan tài phán xem xét để giải quyết một vụ việc tranh chấp thì thông điệp dữ liệu đó cần được in ra thành văn bản. Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được truy xuất từ các trang web thì cơ quan tài phán có thể truy cập trực tiếp vào đường dẫn do đương sự cung cấp, nếu thông điệp dữ liệu gốc được lưu trữ trong thiết bị lưu trữ ngoài phải kèm đư ờng dẫn để truy cập khi cần thiết, nếu nếu là email cá nhân thì thông điệp dữ liệu đó phải được đảm bảo nguyên vẹn trong hộp thư inbox. Trang web chỉ được khởi tạo khi cá nhân, tổ chức chủ trang web đó đã mua tên miền và đăng ký với tư cách chủ sở hữu, còn email cá nhân cũng thể hiện tính duy nhất, vì muốn sử dụng email phải có mã khóa (password), không thể ngụy tạo được. Trường hợp cơ quan tài phán nghi ngờ có sự gian dối trong việc khởi tạo lại một tên email thông thường và thư điện tử đã gửi đi (email đăng ký trên Yahoo!, Googgle,..) thì hoàn toàn có thể gửi một công văn đến công ty cung cấp dịch vụ để xác minh. Việc kiểm tra này hoàn toàn khả thi, khi hiện nay các nhà cung cấp email như Yahoo!, Googgle,..có văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại Việt Nam. Hơn nữa, các công ty dịch vụ này đa số được thành lập tại Mỹ, châu Âu, nên họ có thái độ tôn trọng và hợp tác với cơ quan tài phán khi có yêu cầu. Do vậy đối với một vụ tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử, các bên đương sự có thể mạnh dạn cung cấp thông điệp dữ liệu gốc có liên quan cho cơ quan tài phán để được phán xét.
Trong nền kinh tế mở cửa như hiện nay, thì việc sử dụng các phương tiện điện tử để gửi thông điệp dữ liệu phục vụ kinh doanh là hành vi rất phổ biến. Do vậy việc cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài) chấp nhận tính khách quan, xác thực, hiệu lực pháp lý đầy đủ của thông điệp dữ liệu gốc cũng là vấn đề tự nhiên khi Bộ luật Dân sự, Luật Công nghệ Thông tin, Luật Giao dịch Điện tử, Luật Thương Mại đã đề cập, viện dẫn đầy đủ căn cứ pháp lý về các giao dịch thông qua phương tiện điện tử, thông điệp dữ liệu. Việc cơ quan tài phán nhanh chóng áp dụng cách giải quyết này sẽ làm cho một vụ tranh chấp hoặc việc dân sự được giải quyết toàn diện, chính xác, nhanh gọn và khách quan hơn, nâng cao tính pháp quyền hiện đại trong hoạt động của hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng nước ta.
Quan điểm riêng của Luật sư Công ty TNHH NewVision Law – Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn