Thông báo rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại

Chủ đề   RSS   
  • #554822 13/08/2020

    dutiepkhac
    Top 150
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Long An, Việt Nam
    Tham gia:21/08/2018
    Tổng số bài viết (543)
    Số điểm: 77128
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 178 lần


    Thông báo rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại

    Thông qua công tác kiểm sát việc xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án kinh doanh thương mại.

    1. Nội dung vụ án

    Ông Phạm Quốc T là Giám đốc Doanh nghiệp A, địa chỉ tại tỉnh T, có ký các hợp đồng tín dụng với Ngân hàng N, cụ thể:

    Ngày 30/11/2012, ký Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201206005 vay số tiền 1.250.000.000 đồng; lãi suất vay 13%/năm, thời hạn vay 12 tháng; Ngân hàng N đã giải ngân; hợp đồng này được gia hạn trả nợ đến 25/11/2016.

    Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Phạm Quốc T đã trả số tiền nợ gốc 1.131.396.250 đồng và tiền lãi 178.383.056 đồng, hiện còn dư nợ gốc 118.603.750 đồng và lãi tính đến ngày 15/11/2018 là 305.716.984 đồng (lãi trong hạn: 292.652.451 đồng, lãi quá hạn: 13.064.533 đồng).

    Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201206005 được đảm bảo bởi Hợp đồng thế chấp số 031/01/2012/HĐTC bằng tài sản của vợ chồng ông Phạm Quốc T, bà Trương Thị T với Ngân hàng N.

    Ngày 12/12/2013, ký Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304748 vay số tiền 350.000.000 đồng; lãi suất 11%/năm; thời hạn vay 12 tháng, Ngân hàng N đã giải ngân, hợp đồng được gia hạn trả nợ đến ngày 12/12/2016. Đến ngày 15/11/2018, ông Phạm Quốc T còn nợ gốc 350.000.000 đồng và 203.037.500 đồng tiền lãi (lãi trong hạn: 192.393.056 đồng, lãi quá hạn: 37.644.444 đồng).

    Ngày 16/12/2013, Ký hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304848 vay số tiền 560.000.000 đồng; lãi suất 11%/năm; thời hạn vay 12 tháng, Ngân hàng N đã giải ngân, hợp đồng được gia hạn trả nợ đến ngày 15/12/2016. Đến ngày 15/11/2018, ông Phạm Quốc T còn nợ gốc 560.000.000 đồng, nợ lãi 367.118.889 đồng (lãi trong hạn: 307.144.444 đồng, lãi quá hạn: 59.974.444 đồng).

    Ngày 17/12/2013, ký Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304825 vay số tiền 1.000.000.000 đồng; phương thức cho vay từng lần; lãi suất 11%/năm; thời hạn vay 60 tháng. Ngân hàng N mới giải ngân cho ông Phạm Quốc T vay 950.000.000 đồng, hạn mức còn lại 50.000.000 đồng chưa được giải ngân; cụ thể các lần giải ngân như sau:

    + Giấy nhận nợ ngày 17/12/2013, có số giải ngân 4005-LDS-201304825, số tiền vay 400.000.000 đồng; lãi suất vay 12%/năm; hạn trả nợ cuối cùng 15/12/2017. Theo giấy lĩnh tiền vay bằng tiền mặt lập ngày 17/12/2013, do ông Phạm Quốc T ký nhận. Khoản nợ này ông Phạm Quốc T đã trả được 6.133.333 đồng tiền lãi vào ngày 11/12/2015. Đến ngày 15/11/2018, ông Phạm Quốc T còn nợ tiền gốc 400.000.000 đồng và 279.933.333 đồng tiền lãi (lãi trong hạn: 233.200.000 đồng, lãi quá hạn: 46.733.333 đồng).

    + Giấy nhận nợ ngày 27/01/2014, có số giải ngân 4005-LDS-201302562, số tiền vay 450.000.000 đồng; lãi suất 12%/năm; hạn trả nợ cuối cùng 15/12/2017. Khoản tiền vay này ông Phạm Quốc T đã ký nhận theo giấy lĩnh tiền vay bằng tiền mặt lập ngày 27/01/2014. Đến ngày 15/11/2018, ông Phạm Quốc T còn nợ tiền gốc 450.000.000 đồng và 288.150.000 đồng tiền lãi (lãi trong hạn: 262.950.000 đồng, lãi quá hạn 25.200.000 đồng).

    + Giấy nhận nợ ngày 10/4/2014, có số giải ngân 4005-LDS-201300835, số tiền vay 100.000.000 đồng; lãi suất 12%/năm; hạn trả nợ cuối cùng 15/12/2017. Số tiền vay này ông Phạm Quốc T đã nhận theo giấy lĩnh tiền vay tiền bằng tiền mặt lập ngày 11/4/2014, số tiền 100.000.000 đồng. Ông Phạm Quốc T đã trả được 21.000.000 đồng tiền lãi vào ngày 11/12/2015. Đến ngày 15/11/2018, ông Phạm Quốc T còn nợ tiền gốc 100.000.000 đồng và 40.600.000 đồng tiền lãi (lãi trong hạn: 35.000.000 đồng, lãi quá hạn: 5.600.000 đồng).

    Cả 3 Hợp đồng tín dụng được đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, diện tích 22.002m2, tọa lạc tại huyện P, tỉnh T, theo Giấy chứng nhận sử dụng đất số BH745138 do UBND huyện P cấp ngày 24/5/2012 đứng tên ông Phạm Quốc B.

    Khi đến hạn trả nợ, Doanh nghiệp A không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do vậy Ngân hàng N khởi kiện yêu cầu: Buộc Doanh nghiệp A trả nợ cho Ngân hàng N số tiền là 3.490.160.456 đồng; trong đó gồm có: Nợ gốc 1.978.603.750 đồng, nợ lãi phải trả 1.511.556.706 đồng (lãi trong hạn: 1.323.339.951 đồng, lãi quá hạn: 188.216.755 đồng tính đến ngày xét xử sơ thẩm 15/11/2018).

    Đối với 3 Hợp đồng tín dụng 4005-LAV-201304786, 4005-LAV-201304808, 4005-LAV-201304825 được bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp số 010 ngày 03/12/2013, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc Doanh nghiệp A trả nợ, trong trường hợp không được nợ, Ngân hàng N có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản đảm bảo nợ vay của Doanh nghiệp A theo hợp đồng bảo đảm số 010 ngày 03/12/2013 để thu hồi nợ.

    Đối với khoản dư nợ gốc 118.603.750 đồng và lãi của Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201206005 là khoản vay không được bảo đảm bởi Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 nên chỉ yêu cầu Tòa án buộc ông Phạm Quốc T trả nợ theo quy định.

    Bị đơn ông Phạm Quốc T, Giám đốc Doanh nghiệp A chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng N, cụ thể:

    + Đối với Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201206005 đã thanh toán bằng Hợp đồng thế chấp 24,7ha rừng ngày 02/02/2012 giữa vợ chồng ông Phạm Quốc T, Trương Thị T và Ngân hàng A, sau đó Ngân hàng N đã tổ chức phát mãi thu hồi nợ nên Doanh nghiệp A không còn nợ Ngân hàng N.

    + Đối với các Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304786, 4005-LAV-201304848, ông Phạm Quốc T thừa nhuận đã ký đầy đủ thủ tục nhưng không nhận được tiền và đây là hợp đồng ảo, không có thật.

    + Đối với Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304825, Hợp đồng này có thủ tục giải ngân 3 lần, ông Phạm Quốc T chỉ thực nhận là 850.000.000 đồng đối với 02 Giấy nhận nợ lần 1 ngày 17/12/2013 để rút số tiền 400.000.000 đồng; lần 2 ngày 27/01/2014, ông Phạm Quốc T thừa nhận có ký các thủ tục để rút tiền nhưng thực tế ông không nhận số tiền 100.000.000 đồng; sau đó, ông đã trả cho Ngân hàng N 80.000.000 đồng tiền nợ gốc theo giấy nộp tiền ngày 04/12/2015, do vậy ông chỉ đồng ý tiền nợ gốc là 770.000.000 đồng và lãi phát sinh theo yêu cầu của Ngân hàng N.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Quốc B: Đề nghị Tòa án xem xét Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 giữa ông và Doanh nghiệp A với Ngân hàng N là vô hiệu.

    2. Quá trình giải quyết vụ án

    Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2018/KDTM-ST ngày 21/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện P, tuyên xử:

    “1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng N đối với ông Phạm Quốc T đối với phần yêu cầu khoản tiền nợ gốc và tiền lãi.

    2. Buộc ông Phạm Quốc T phải trả cho Ngân hàng N tổng số tiền tính đến ngày 15/11/2018 là 3.490.160.456 đồng (trong đó tiền gốc 1.978.603.750 đồng; tiền lãi trong hạn phải trả 1.323.339.951 đồng, tiền lãi quá hạn phải trả 188.216.755 đồng).

    Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (15/11/2018), khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.

    3. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng N đối với yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm, trong trường hợp ông Phạm Quốc T không trả được nợ theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013. Tuyên bố hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 vô hiệu.

    Buộc Ngân hàng N phải trả lại cho anh Phạm Quốc B Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BH745138, thửa đất số 01, tờ bản đồ số 04 diện tích 22.002,0m2 tại huyện P, tỉnh T.”

    Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn là Ngân hàng N và bị đơn ông Phạm Quốc T có đơn kháng cáo; VKSND huyện P, tỉnh T kháng nghị một phần Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng N về xử lý tài sản đảm bảo.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền lãi quá hạn là 188.216.755 đồng. Bị đơn rút một phần kháng cáo về đề nghị xem xét tính hợp pháp của các Hợp đồng tín dụng và cách tính lãi.

    Bản án phúc thẩm số 01/2019/KDTM-PT ngày 22/4/2019 của TAND tỉnh T nhận định:

    Theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 thì ông Phạm Quốc B nhận bảo đảm nghĩa vụ trả nợ cho Doanh nghiệp A thep các Hợp đồng tín dụng do hai bên Ngân hàng N và Doanh nghiệp A ký trong phạm vi tối đa không vượt quá giá trị tài sản là 3.700.000.000 đồng. Thế nhưng, tại Điều 8 của 03 Hợp đồng tín dụng số 4005-LAV-201304786, 4005-LAV-201304848, 4005-LAV-201304825 đều thể hiện cùng nội dung “Cho vay có bảo đảm bằng tài sản. Bảo đảm tiền vay thực hiện theo các hợp đồng thế chấp tài sản và phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản bổ sung đã ký giữa Doanh nghiệp A với Ngân hàng N” mà không cần dẫn chiếu cam kết bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 nên ông Phạm Quốc B không có nghĩa vụ đảm bảo trả nợ theo hợp đồng thế chấp đã ký đối với 3 Hợp đồng tín dụng nêu trên, trong khi trước đó, Nhân hàng N đang thực hiện Hợp đồng thế chấp 031/01/2012/HĐTC bằng tài sản của vợ chồng ông Phạm Quốc T, bà Trương Thị T để bảo đảm cho các khoản vay của Doanh nghiệp A. Mặt khác, Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 không có thỏa thuận về thời hạn chấm dứt hợp đồng nên tuyên xử:

    “1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần yêu cầu kháng cáo mà ông Phạm Quốc T đã rút đối với đề nghị xem xét tính hợp pháp của các hợp đồng tín dụng và cách tính lãi.

    2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu tính lãi quá hạn khoản tiền 188.216.755 đồng của Ngân hàng N với ông Phạm Quốc T.

    3. Sửa một phần bản án sơ thẩm, buộc ông Phạm Quốc T phải trả cho Ngân hàng N tổng số tiền tính đến ngày 15/11/2018 là 3.301.943.701 đồng (trong đó tiền gốc 1.978.603.750 đồng; tiền lãi trong hạn phải trả 1.323.339.951 đồng).

    4. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng N và Kháng nghị của VKSND huyện P đối với yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo của ông Phạm Quốc B theo Hợp đồng thế chấp số 010 ngày 03/12/2013 trong trường hợp ông Phạm Quốc T không trả được nợ đối với 03 Hợp đồng tín dụng.

    5. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Quốc T về yêu cầu miễn án phí.”

    Ngày 27/9/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 01/2019/KDTM-PT ngày 22/4/2019 của TAND tỉnh T, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy một phần Bản án phúc thẩm số 01/2019/KDTM-PT ngày 22/4/2019 của TAND tỉnh T và hủy một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2018/KDTM-ST ngày 21/11/2018 của TAND huyện P, tỉnh T đối với phần xử lý tài sản đảm bảo của ông Phạm Quốc B.

    Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/KDTM-GĐT ngày 11/3/2020 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định:

    “1. Hủy một phần Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 01/2019/KDTM-PT ngày 22/4/2019 của TAND tỉnh T và hủy một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2018/KDTM-ST ngày 21/11/2018 của TAND huyện P, tỉnh T đối với phần xử lý Hợp đồng thế chấp 010 ngày 03/12/2013.

    2. Giao hồ sơ về cho TAND huyện P, tỉnh T để giải quyết lại phần bị hủy theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.”

    3. Vấn đề cần rút kinh nghiệm

    Trong quá trình giải quyết vụ án, Ngân hàng N đã cung cấp một số tài liệu cho Tòa án, gồm: Biên bản làm việc ngày 19/4/2016; Biên bản làm việc ngày 07/6/2016; Thông báo về việc bảo lãnh tiền vay ngày 05/7/2016; Thông báo về việc bảo lãnh tiền vay (lần 2) ngày 27/10/2016 có liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh của ông Phạm Quốc B theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 nhưng Tòa án hai cấp chưa xem xét, làm rõ để đánh giá các tài liệu này liên quan như thế nào đến việc bảo lãnh tiền vay của ông Phạm Quốc B mà chỉ căn cứ vào Điều 8 của 3 Hợp đồng tín dụng nêu trên không dẫn chiếu cam kết, bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 nên ông Phạm Quốc B không có nghĩa vụ đảm bảo trả nợ theo hợp đồng thế chấp đã ký để không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKSND huyện P là chưa chính xác.

    Ngoài ra, trong lúc phiên tòa sơ thẩm chưa kết thúc, đang trong thời gian nghị án kéo dài, ông Phạm Quốc B có gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm một bì thư dán kín qua dịch vụ bưu chính thể hiện nội dung gồm một văn bản, một đĩa CD nhưng Tòa án sơ thẩm không mở tài liệu đã được dán kín ra xem xét tài liệu đó có nội dung như thế nào mà chỉ nhận định tài liệu do ông Phạm Quốc B gửi được lưu theo hồ sơ vụ án là không tiến hành đúng thủ tục theo quy định tại Điều 96 và Điều 265 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét các tài liệu, chứng cứ đó.

    Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự nhưng Tòa án phúc thẩm cũng không phát hiện, dẫn đến quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKSND huyện P đối với yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo của ông Phạm Quốc B theo Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 là ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nên VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị và Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy một phần Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm và một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với phần xử lý Hợp đồng thế chấp số 010/12/2013/HĐTC ngày 03/12/2013 để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

    Theo Cổng TTĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao

    Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!

     
    1047 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận