Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án kinh doanh thương mại

Chủ đề   RSS   
  • #545919 13/05/2020

    lamkylaw
    Top 100
    Lớp 10

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:31/10/2018
    Tổng số bài viết (660)
    Số điểm: 14232
    Cảm ơn: 10
    Được cảm ơn 612 lần


    Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án kinh doanh thương mại

     

    Thông qua công tác kháng nghị và kết quả xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án kinh doanh thương mại về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cầm cố”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm có một số vi phạm dẫn đến vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự, nên cần thông báo rút kinh nghiệm như sau:

    1. Nội dung vụ án

    Ngày 22/11/2010, Ngân hàng T và Công ty TH ký kết Hợp đồng tín dụng số 5201LAVxxx vay vốn hạn mức tín dụng ngắn hạn số tiền: 8.000.000.000 đồng. Mục đích vay để kinh doanh thu mua cà phê nông sản, lãi suất tại thời điểm vay là 16%/năm, giải ngân theo giá trị tài sản đảm bảo. Bảo đảm cho khoản vay trên là một số quyền sử dụng đất của người bảo lãnh bà Y và ông L.

    Khi đến thời điểm thu hoạch hạt điều, Công ty TH cần bổ sung vốn để thu mua hạt điều nên giữa Ngân hàng và Công ty TH đã thoả thuận ký Hợp đồng cầm cố tài sản là kho điều khô loại 1. Qua 03 đợt cầm cố và vay, lần giải ngân cuối cùng là ngày 16/11/2011 với số tiền 1.000.000.000 đồng theo Giấy nhận nợ số 520LDSxxx, thời hạn vay 03 tháng, ngày đến hạn là 16/2/2012.

    Tổng lượng hạt điều khô loại 1 cầm cố là 177,96 tấn, thành tiền là 6.132.000.000 đồng để vay số tiền 3.000.000.000 đồng. Vì Công ty TH không trả được nợ nên Ngân hàng đã bán tài sản cầm cố là hạt điều khô để thu hồi nợ. Tính đến ngày 29/3/2016 dư nợ của Công ty TH còn lại là 3.121.000.000 đồng. Ngân hàng đề nghị Toà án xem xét, buộc Công ty TH phải trả cho Ngân hàng số tiền gốc là 3.121.000.000 đồng và tiền lãi tạm tính đến ngày 08/1/2018 là 3.003.420.583 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 6.124.420.583 đồng và tiền phát sinh từ ngày 09/01/2018 cho đến nay. Nếu Công ty TH không trả hết nợ cho Ngân hàng thì đề nghị xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

    Công ty TH cho rằng, trong quá trình cầm cố hạt điều, Ngân hàng đã thiếu trách nhiệm, dẫn đến nước mưa tràn vào kho làm ướt hạt điều, Ngân hàng cũng không có biện pháp xử lý triệt để, dẫn đến hạt điều bị ẩm, hư hỏng và sụt giảm giá trị. Sau đó, Ngân hàng tự bán tài sản cầm cố là toàn bộ kho hạt điều để thu hồi nợ; tổng số hạt điều đã bán là 159.659kg, thu về 2.764.546.750 đồng, bị hao hụt so với ban đầu là 18.265kg và sụt giảm giá bán so với thị trường. Giá trị hạt điều khi nhập là 6.132.720.000 đồng - số tiền thu về 2.764.546.750 đồng = 3.368.173.250 đồng.

    Do đó, Công ty đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khấu trừ số tiền thiệt hại điều vào số tiền mà Công ty TH còn nợ Ngân hàng tại thời điểm xảy ra thiệt và không tính tiền lãi đối với số tiền bị thiệt hại, cũng như không tính tiền lãi của hợp đồng tín dụng kể từ khi khấu trừ, còn lại bao nhiêu thì Ngân hàng phải bồi thường tiếp cho Công ty. Nếu Ngân hàng tính lãi của hợp đồng tín dụng, thì Công ty cũng tính lãi số tiền bị thiệt hại kể từ thời điểm xảy ra thiệt hại cho đến khi Ngân hàng bồi thường hết cho Công ty và yêu cầu Ngân hàng trả lại các tài sản mà Công ty đã thế chấp cho Ngân hàng là các quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của ông L, bà Y.

    2. Quá trình giải quyết vụ án

    Bản án sơ thẩm số 05/2016/KDTM-ST ngày 29/3/2016 của Toà án nhân dân thành phố A, tỉnh B quyết định: Buộc Công ty TH phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền là 3.264.383.334 đồng, trong đó nợ gốc là 3.121.000.000 đồng và nợ lãi là 143.383.334 đồng.

    Đối với Hợp đồng cầm cố tài sản: Buộc Ngân hàng phải bồi thường cho Công ty TH số tiền 3.880.169.240 đồng.

    Ngày 12/4/2016, Ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

    Ngày 09/4/2016, Viện trưởng VKSND thành phố A ban hành Quyết định số 02/QĐ/KNPT-KDTM kháng nghị sửa bản án sơ thẩm nêu trên.

    Bản án phúc thẩm số 12/2016/KDTM-PT ngày 26/7/2016 của Toà án nhân dân tỉnh B quyết định: Chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng và kháng nghị của Viện trưởng VKSND thành phố A; sửa bản án sơ thẩm. Buộc Công ty TH phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền 5.063.897.786 đồng. Chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Công ty TH; buộc Ngân hàng phải bồi thường cho Công ty TH 18.265kg hạt điều khô loại 1, số tiền chênh lệch khi bán là 606.609.125 đồng và tiền lãi của số tiền chênh lệch là 224.621.123 đồng. Bác một phần đơn yêu cầu bồi thường của Công ty TH.

    Đối với tài sản thế chấp: Trường hợp Công ty TH không trả được nợ hoặc trả không đủ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

    Quyết định giám đốc thẩm số 23/2017/KDTM-GĐT ngày 21/8/2017 của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng huỷ toàn bộ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố A giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Bản án sơ thẩm số 14/2018/KDTM-ST ngày 18/10/2018 của Toà án nhân dân thành phố A quyết định: Buộc Công ty TH phải trả cho Ngân hàng số tiền là 3.264.383.334.

    Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản do cầm cố: Buộc Ngân hàng phải bồi thường cho Công ty TH số tiền 3.606.847.631 đồng.

    Sau khi đối trừ nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng trả lại cho Công ty TH các tài sản thế chấp gồm 4 quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đứng tên ông L, bà Y.

    Bản án phúc thẩm số 03/2019/KDTM-PT ngày 25/3/2019 của Toà án nhân dân tỉnh B quyết định: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng và yêu cầu kháng cáo của Công ty TH. Sửa một phần Bản án sơ thẩm về án phí.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, Ngân hàng có đơn đề nghị và VKSND tỉnh B có Báo cáo đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

    Ngày 15/7/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hàng Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 67/QĐ-VKS-KDTM kháng nghị Bản án phúc thẩm số 03/2019/KDTM-PT ngày 25/3/2019 nêu trên; đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Toà án nhân dân thành phố A giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Quyết định giám đốc thẩm số 07/2019/KDTM-GĐT ngày 29/10/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, huỷ toàn bộ Bản án phúc thẩm số 03/2019/KDTM-PT và Bản án sơ thẩm số 14/2018/KDTM-ST; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố A để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

    3. Vấn đề cần rút kinh nghiệm

    3.1. Về việc xác định giá để tính thiệt hại khi bán hạt điều:

    Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 65 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật, riêng đối với tài sản bảo đảm có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì người xử lý tài sản được bán theo giá thị trường, mà không phải qua thủ tục bán đấu giá. Như vậy, đối với trường hợp trên, nếu hạt điều không bị giảm sút giá trị, vẫn giữ nguyên là hạt điều loại 1 thì sẽ được tính theo giá thị trường tại thời điểm bán nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm lại tính theo giá bình quân của các Hợp đồng cầm cố là không đúng, từ đó xác định giá trị thiệt hại của Công ty TH không chính xác.

    3.2. Về tiền lãi:

    Trường hợp bán hạt điều theo giá loại 1 trên thị trường tại thời điểm Ngân hàng xuất bán mà số tiền thu được cao hơn dư nợ gốc tính đến thời điểm thu hồi nợ thì không phát sinh tiền lãi; trường hợp số tiền thu được thấp hơn dư nợ gốc, thì sau khi khấu trừ nợ gốc, tiền lãi được tính trên dư nợ gốc còn lại.

    Như vậy, do Ngân hàng có lỗi trong việc bản quản, giữ gìn tài sản cầm cố là hạt điều loại 1, làm hao hụt khối lượng và sụt giảm giá trị nên Ngân hàng đã bán hạt điều với giá thấp hơn giá hạt điều loại 1 trên thị trường; số tiền chênh lệch giữa giá hạt điều loại 1 trên thị trường tại thời điểm bán với giá hạt điều do Ngân hàng bán ra là khoản thiệt hại đối với Công ty TH, số tiền này sẽ được trừ vào nợ gốc theo từng thời điểm bán hạt điều, Ngân hàng tiếp tục tính lãi trên số nợ gốc còn lại (nếu có).

    Do Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định giá điều không đúng, từ đó tính giá trị thiệt hại đối với Công ty TH không chính xác, dẫn đến việc buộc Ngân hàng phải bồi thường cho Công ty TH số tiền 309.570.835 đồng và phải trả lại toàn bộ tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay của Công ty TH là không phù hợp.

    TL (tổng hợp)

    Theo Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao

     

     
    3150 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận