Ngày 27/01/2023 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 14/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị đô thị toàn quốc 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết 148/NQ-CP thực hiện Chương trình quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ kết luận vị trí, vai trò, thế mạnh của đô thị trong tình hình chung đô thị hóa toàn cầu sẽ là động lực phát triển nền kinh tế.
(1) Xác định vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị
Theo đó, việc phát triển đô thị là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực chủ động hội nhập hiệu quả.
Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội đối với mỗi quốc gia, mỗi khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt.
Phát triển đô thị đồng thời là động lực của phát triển kinh tế, là cảm hứng cho sự phát triển chung của đất nước.
Hiện nay, khu vực đô thị đã có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của quốc gia.
Thủ tướng cho rằng nếu phát triển đúng hướng, phát triển bài bản, có tầm nhìn, có đột phá, đô thị sẽ phát huy được hết vai trò của mình.
Tuy nhiên, trong kịch bản ngược lại, phát triển đô thị thiếu định hướng và tầm nhìn có thể gây ra những hậu quả phải giải quyết lâu dài. Điều này cũng là thách thức lớn đối với các các đô thị chưa có kinh nghiệm.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của Thế giới, phát triển đô thị Việt Nam vì vậy không thể nằm ngoài xu thế này, phải kết hợp nội lực với ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để phát triển.
Đô thị luôn gắn với văn minh, sáng tạo, đổi mới, cơ hội phát triển, nhưng cũng là khu vực tập trung nhiều thách thức cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, phòng chống rủi ro không báo trước.
Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ thiết yếu để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.
(2) Kết quả đạt được từ chủ trương, chính sách phát triển đô thị
Trong nhiều năm qua, các chủ trương của Đảng về phát triển đô thị đã được kịp thời thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện để phát triển đô thị có hiệu quả, qua đó đã hình thành một quá trình liên tục, xuyên suốt từ chủ trương, cơ chế, chính sách tới thực tiễn phát triển đô thị, hình thành nên sự thống nhất và lưu tâm chung của các cấp, các ngành.
Sau 35 năm đổi mới, nhất là sau 10 năm thực hiện điều chỉnh Định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam được phê duyệt năm 2009, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.
Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất. Diện mạo kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng, có nhiều giải thưởng quốc tế, giao lưu với các nền kiến trúc, văn hóa quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc.
Diện mạo đất nước thay đổi thông qua phát triển đô thị. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung cả nước.
Các đô thị đã đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng, công tác đô thị cũng đổi mới, đô thị hoá đã trở thành động lực phát triển của cả nước và của mỗi vùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức trong phát triển đô thị cần giải quyết như:
- Vấn đề quá tải về hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, hạ tầng viễn thông.
- Thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng thu nhập trung bình; tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt.
- Tình trạng các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị chậm được đầu tư, dự án “treo” còn phổ biến.
- Hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa,... chưa phát triển ngang tầm với kinh tế, đã bộc lộ nhiều hạn chế và hiện nay đang bị quá tải, nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Thách thức đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, chất lượng đô thị, quản lý phát triển đô thị, thực hiện thành công mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu, bảo tồn di sản, khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập các nguồn lực mới cho đô thị phù hợp quy định và tình hình mới.
Thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở đô thị, ngày càng nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro không báo trước.