“Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”: Vàng mã là giả, hậu quả pháp lý là thật. Hậu quả đó là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #608885 27/02/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26758
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 553 lần


    “Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”: Vàng mã là giả, hậu quả pháp lý là thật. Hậu quả đó là gì?

    “Thanh minh trong tiết tháng ba,

    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. 

    Gần xa nô nức yến anh, 

    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. 

    Dập dìu tài tử giai nhân,

    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm. 

    Ngổn ngang gò đống kéo lên, 

    Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.”

    Tám câu thơ nêu trên được trích ra từ tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Chỉ với 08 câu thơ, những phong tục, tập quán khi mùa xuân về, khi đi tảo mộ được Nguyễn Du lột tả hết sức chân chất và mộc mạc, đem lại sự gợi nhớ và tôn kính. Đặc biệt là ở hai câu thơ cuối, làm cho người đọc cảm động khi nhớ về những người đã khuất, những người góp phần xây dựng cuộc sống hiện nay.

    Có thể thấy, việc đốt vàng mã thời xưa hiện lên với hình ảnh những nén vàng, mảnh tiền giấy bay theo làn khói mỏng manh đã luôn là một trong những tập tục không thể thiếu mỗi ngày Tết của người dân Việt Nam ta. Nhưng dần dà, việc đốt vàng mã ngày càng trở nên biến tướng trở thành hủ tục và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại.

    (1) Nguồn gốc và ý nghĩa của tục đốt vàng mã

    Thực chất, tục đốt vàng mã bắt nguồn từ đời nhà Chu của Trung Hoa. Theo Kinh dịch Nho giáo, vào thời này có quy định rằng, mỗi khi có một người chết đi, tất cả các vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả là thê thiếp hay thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo cố chủ - tuẫn táng. Tuy nhiên, về sau, khi mà người Trung Hoa bắt đầu có giấy, họ đã thay thế những vật dụng thật này bằng cách tái hiện lại chúng qua giấy. Tục đốt vàng mã cũng xuất phát từ đấy. Tuy nhiên, ở những năm đầu, tục này chỉ xuất hiện ở trong cung đình. Đốt vàng mã chỉ thực sự nổi lên và phổ biến với công chúng vào thời điểm mà Phật giáo phát triển mạnh mẽ dưới thời Nhà Đường. Theo truyền miệng, có một vị sư đã lợi dụng dịp Rằm tháng bảy để tâu vua rằng đây là ngày xá tội nên vua hãy thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân.

    Cũng từ đó mà các nhà buôn đồ mã mới có thể giàu lên một cách nhanh chóng và phổ biến tục này sang các nước chư hầu để tiêu thụ, trong đó có cả Việt Nam ta. Lâu dần, việc đốt vàng mã dường như đã “khắc sâu” vào người dân Việt Nam ta. Nhất là vào những dịp Tết Nguyên đán hay ngày 23 tháng Chạp mỗi năm. Với quan niệm rằng “sống sao chết vậy” khi đốt vàng mã sẽ gửi gắm được những vật chất thiết yếu cho người đã khuất, giúp họ có cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia. Đây là cách thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ và cầu mong cho người đã khuất được bình yên, an lạc. 

    (2) Vàng mã là giả, hậu quả pháp lý là thật

    Ý nghĩa cao đẹp là thế nhưng đến nay, tục đốt vàng mã đang dần biến tướng và trở thành một trong những hủ tục nên được xem xét loại bỏ. 

    Bởi việc đốt vàng mã tràn lan, với số lượng lớn không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và an toàn phòng cháy chữa cháy. Khói bụi từ việc đốt vàng mã chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và chất lượng không khí. 

    Thực tế đã ghi nhận không ít những trường hợp vì đốt vàng mã mà gây nên hỏa hoạn. Mặc dù trong luật pháp hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng nguồn lửa mà trong đó bao gồm cả việc đốt vàng mã, tại Điều 5 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 có quy định về trách nhiệm của mỗi cá nhân như sau:

    - Luôn tuân thủ các quy định, nội quy và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy do người hoặc cơ quan có thẩm quyền đề ra. 

    - Nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy chữa cháy, bao gồm nguyên nhân gây cháy, biện pháp phòng ngừa, cách thức sử dụng dụng cụ và phương tiện chữa cháy thông dụng.

    - Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt một cách an toàn, tuân thủ các biện pháp phòng chống cháy nổ. 

    - Bảo quản, sử dụng chất cháy đúng quy định, đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ cháy nổ.

    - Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn. 

    - Ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy, góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

    Đồng thời, theo Điều 2 Phụ lục 1 Thông tư 02/2016/TT-BXD thì việc đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư là một những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.

    Về chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm: tại Điều 50 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình như sau:

    Vi phạm gây thiệt hại tài sản: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu gây ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. 

    Vi phạm gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe:

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Nếu gây ra:

    + Cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng. 

    + Thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%. 

    + Thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%. 

    Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe trong trường hợp vi phạm gây thương tích như đã nêu trên.

    Đồng thời, đối với hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ sẽ bị xử phạt theo Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

    - Mức phạt theo thiệt hại tài sản: 

    + Dưới 20 triệu đồng: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. 

    + Từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng. 

    + Từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng. 

    + Trên 100 triệu đồng: Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

    - Mức phạt theo hậu quả thương tích:

    + Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 01 người (dưới 61%): Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 

    + Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên (tổng tỷ lệ tổn thương dưới 61%): Phạt tiền từ 05 triệu  đồng đến 10 triệu đồng. 

    - Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe trong trường hợp vi phạm gây thương tích nêu trên.

    Tổng kết lại, có thể thấy tục đốt vàng mã tuy chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp và đã có từ rất lâu đời. Nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại về tính mạnh lẫn tài sản cho người dân. Chính vì thế, cần có sự điều chỉnh phù hợp để loại bỏ hủ tục, hướng đến những hình thức cúng tế văn minh, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và hơn cả là đảm bảo an toàn. Việc bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ người đã khuất là quan trọng nhưng chúng không được đo đếm bằng số lượng vàng mã đốt ra mà là ở tấm lòng.

     
    528 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận