Theo điều 408 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vô hiệu do hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được:
"1. Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.
2. Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được."
Cần hiểu thế nào là đối tượng không thực hiện được thì mới áp dụng thời hiệu nào để chính xác. Quy định về đối tượng không thực hiện được không được quy định rõ ràng trong điều luật, nhưng ở bộ luật mới thì đã khắc phục được quy định ở bộ luật cũ.
Cụ thể tại Khoản 1 Điều 411 BLDS 2005 quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu do không thể thực hiện được nhưng chỉ ở trường hợp “vì lí do khách quan”. Tuy nhiên trong thực tế thì đối tượng không thể thực hiện được có thể vì lí do khách quan lẫn chủ quan.
Ví dụ rõ ràng hơn đó là trường hợp các bên không thỏa thuận về các mặt tiếp giáp của mảnh đất được chuyển nhượng (đối với hợp đồng chuyển nhượng đất) hay đời máy cụ thể (đối với hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị) nên hợp đồng không thể thực hiện được. Trường hợp này hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Vậy thì thời hiệu để khởi kiện trong trường hợp này là bao lâu?
Phải hiểu thời hiệu để tuyên giao dịch vô hiệu nghĩa là hết thời gian đó mà không thực hiện tuyên bố vô hiệu thì giao dịch/ hợp đồng mặc nhiên sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên xét lại hợp đồng có đối tượng không thực hiện được, bản chất là việc thực hiện hợp đồng không thể xảy ra, nên thời hiệu áp dụng cho việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu là vô thời hạn. Và trên thực tế nó không cần đến Tòa án để tuyên vô hiệu, vì bản chất là không thể thực hiện được.
Việc cần đến Tòa án tuyên giao dịch/ hợp đồng vô hiệu là do đảm bảo quyền lợi của các bên, cũng như bảo vệ được quyền lợi của phía yếu thế trong trường hợp giao dịch/ hợp đồng đó có dấu hiệu không thiện chí từ một phía, và cần Tòa là phía thứ ba đứng ra bảo vệ quyền lợi. Còn trường hợp có đối tượng không thể thực hiện được nếu rơi vào tình huống do có sự gian dối thì áp dụng điều luật của giao kết hợp đồng do giả tạo.