Thời gian thử việc, làm việc theo hợp đồng thử việc thì không phải là thời gian làm việc theo hợp đồng lao động, không phải là người lao động. Do đó không thuộc diện phải tính hưởng phép năm.
Tuy nhiên, nếu người lao động sau khi hết thử việc và được nhận vào làm việc thì thời gian thử việc này sẽ được dùng để tính thời gian làm việc trong năm để tính số ngày phép năm. Cụ thể, được quy định tại Điều 6 của Nghị định 45/2013/NĐ-CP:
"Điều 6. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm
1. Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.
2. Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.
3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.
4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.
5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.
7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
8. Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.
9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.
10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.
11. Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội"
Do đó, trong thời gian thử việc nếu người lao động nghỉ không đi làm, thời gian đó sẽ không phải là nghỉ phép năm. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng lao động chính thức thì sẽ phải tính thêm ngày phép năm cho người lao động.