Vừa qua, công ty Toyota đã đề xuất xin giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ 15-25% xuống còn 0%. Và Toyota đã dự tính hai kịch bản như sau:
Nếu Chính phủ Việt Nam đồng ý: Toyota Việt Nam sẽ nỗ lực từng bước tăng cường nội địa hoá để cắt giảm chi phí, tiến tới loại bỏ hoàn toàn một nửa chênh lệch chi phí còn lại. Như vậy, người dân Việt Nam sẽ có thể mua xe với giá bằng giá nội địa.
Nếu Chính phủ Việt Nam không đồng ý: Hãng rất khó duy trì sản xuất xe tại Việt Nam do đối thủ nhập khẩu các mẫu xe với giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước. Khi đó, đến năm 2020, Toyota Việt Nam sẽ giảm sản lượng từ 40.000 xe hiện nay xuống chỉ còn 13.000 xe một năm, tỷ lệ nội địa hoá sẽ không tăng, sẽ chỉ có một mẫu xe mới và đổi mới 5 mẫu xe. Đến năm 2025, mọi hoạt động sẽ về số 0.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải bài toán này. Bởi lẽ, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam không được phép phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên. Nếu đồng ý cho Toyota được nhận thuế nhập khẩu bằng 0% thì các doanh nghiệp thuộc các nước khác cũng có quyền đòi hỏi như vậy. Mặt khác, Toyota là một doanh nghiệp lớn và có uy tín. Việc Toyota rút khỏi thị trường Việt Nam sẽ gây không ít khó khăn.
Vì vậy, Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc giữa việc đặt lợi ích của một nhóm doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lên trên hay công bằng với tất cả những doanh nghiệp. Từ đó, đề ra và xây dựng những quy định cụ thể phù hợp với định hướng phát triển.