Áp lực thi cử đối với học sinh - Minh họa
Đó là nhận xét về vấn đề thi cử của PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam).
PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho rằng quá nhiều kỳ thi ở phổ thông đang lấy đi cơ hội rèn luyện những phẩm chất, năng lực khác của học sinh.
PGS Chu Cẩm Thơ cho biết, những năm gần đây nhiều nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu để giải thích hiện tượng: có những nước nền kinh tế chưa thực sự phát triển - như Việt Nam, nhưng xếp thứ hạng cao trong các kỳ đánh giá học sinh (HS) quốc tế. Chúng ta có thể tự hào về thành tích đó, nhưng cũng có thể giật mình khi biết những thông tin sau: số giờ học thực tế của HS Việt Nam rất nhiều, số tiền đầu tư cho việc học (so với GDP đầu người) cũng không hề nhỏ; trong khi những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, hay kỹ năng/năng suất lao động của giới trẻ thì chưa cao… Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung.
Thành tích thi cử tốt đâu tỷ lệ thuận với sự hài lòng trong cuộc sống
Hệ lụy của việc lạm dụng những thi cử là gì, thưa bà?
"Để đồng hành, hỗ trợ HS học tập tốt, thì việc giảng dạy của GV cần thực hiện đánh giá quá trình học tập đúng, nghiêm túc, chất lượng, chứ không phải để luyện thi, khiến HS chăm chỉ"
Những thông tin thu được khiến chúng tôi khá lo lắng về quá trình học tập của các em. Như vậy, “ứng thí” đã thành thói quen với hầu hết HS. Xét về khoa học tâm lý giáo dục, nếu người học không có nhu cầu/động lực học tập phù hợp thì kết quả đạt được chưa chắc đã phản ánh đúng năng lực của người đó. Cho nên, không ngạc nhiên, khi mỗi đầu cấp học, các giáo viên (GV) thường than phiền về “điểm đầu vào một đằng - năng lực thật sự một nẻo”.
Điều này càng phổ biến đối với HS học những lớp lớn, được gia đình định hướng thi vào trường chuyên, lớp chọn… Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi một trong những công việc chiếm nhiều thời gian của GV những môn như: toán, văn, tiếng Anh… là sưu tầm các đề thi, và dùng nó như một ngữ liệu cho việc giảng dạy.
Vì thế, dù ngành giáo dục có mong muốn “dạy học phát triển năng lực”, cho HS “khám phá, kiến tạo” thì cũng rất khó để thực hiện.
Còn ở phía các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, chúng tôi cũng nhận thấy họ dành không ít thời gian cho việc tổ chức các kỳ thi cuối kỳ. Mặc dù mục tiêu là để đánh giá chất lượng, nhưng rõ ràng, nó đã lấy đi thời gian của những công việc khác mà theo chúng tôi quan trọng hơn rất nhiều so với các kỳ thi.
Thi cử khiến “bệnh” thành tích trong giáo dục khó chữa
PGS Chu Cẩm Thơ cho biết: “Khoảng 3 năm gần đây, nhóm chúng tôi có tham gia những nghiên cứu để giải thích nguyên nhân cho bệnh thành tích ở VN. Số liệu của những nhóm nghiên cứu đến từ các cơ quan khác nhau cùng cho rằng thành tích trong các cuộc thi là một nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Trong nhiều tiêu chí đánh giá chất lượng, tiêu chí “thứ hạng cao” quyết định “chất lượng” của một cơ sở giáo dục, là điều kiện để được khen thưởng. Rồi nếu đạt thành tích cao thì HS được cộng điểm, được ưu tiên trong những đợt tuyển sinh… Vì vậy, không ít HS tham dự kỳ thi vì “phần thưởng”. Một hiện tượng đang xảy ra, đó là nếu cuộc thi nào không dẫn đến những “ưu tiên” thì rất khó thu hút người tham dự.
Nghiên cứu sâu các trường hợp, sẽ nhận ra ngay từ những năm đầu đi học, HS đã bị tâm lý “đáp ứng” kỳ thi đè nặng. Người lớn, bao gồm cha mẹ và GV, trở thành những người dẫn dắt, định hướng việc “luyện thi”.
Mặt khác, học để thi sẽ dẫn tới học lệch, và có thể lấy mất đi thời gian, cơ hội để rèn luyện những phẩm chất, năng lực khác của người học. Ở một khía cạnh khác, chưa có một kết quả nghiên cứu nào khẳng định thành tích thi cử tốt tỷ lệ thuận với sự hài lòng trong cuộc sống của người học ở thời điểm học thi, cũng như sự thành công và hạnh phúc về sau của người đó.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng họ thấy việc thi cử liên tục vẫn cần, nếu không, HS sẽ không có động lực học, GV sẽ dạy không chất lượng?
HS học tập tốt là khi hiểu ý nghĩa của việc học, có hứng thú, thích học, có trách nhiệm với việc học; kết quả học tập tốt là hệ quả của: phương pháp học, tự học; được dẫn dắt, giúp đỡ để mở mang và xác định được mục tiêu học tập, để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Để đồng hành, hỗ trợ HS học tập tốt, thì việc giảng dạy của GV cần thực hiện đánh giá quá trình học tập đúng, nghiêm túc, chất lượng, chứ không phải để luyện thi, khiến HS chăm chỉ.
Có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa thành tích học tập thời đi học và thành công về sau này hay thành tích học tập và sự hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống cho thấy, không ít HS từng đoạt giải thưởng cao ở các kỳ thi lại không thành công. Chẳng hạn, ở Việt Nam, có khá nhiều sinh viên được tuyển thẳng nhờ thi tốt nghiệp được điểm cao và đoạt danh hiệu HS giỏi toàn diện nhưng lại học không tốt ở đại học. Lý do được cho là họ thiếu khả năng tự học và thiếu động lực học tập, nghiên cứu.
Hãy chú trọng để đánh giá trong quá trình học tập
Vậy để đánh giá cả quá trình, theo bà cần thực hiện ra sao để bảo đảm độ tin cậy?
Đánh giá quá trình là quan sát việc học, thái độ, hành vi của HS để kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn. Khi làm tốt đánh giá trong quá trình thì chắc chắn chất lượng học tập sẽ tốt. Vì thế, thay vì dùng công cụ thi tập trung tạo áp lực học tập thì hãy chú trọng để đánh giá trong quá trình, giúp việc dạy và học tử tế được diễn ra.
Học sinh phải chịu áp lực lớn bởi thi cử
“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu việc học trong 1 năm học của HS lớp 6, lớp 7 ở một số trường THCS ở Hà Nội và một số thông tin thu nhận được là HS phải chịu áp lực lớn bởi thi cử: phải tham gia kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ do nhà trường tổ chức. Mỗi lần thi như vậy, GV thường giao đề cương để ôn luyện trước từ 2 - 4 tuần. Ngoài đề cương ôn luyện, mỗi bài học đều kèm theo phiếu bài tập do GV giao về nhà. HS sẽ rất phấn khởi nếu trúng đề và có tâm lý tiêu cực khi không trúng đề”, PGS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Một thông tin nữa cũng đáng quan tâm, theo bà Chu Cẩm Thơ, đó là ngày nay có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi HS đều có thể tham gia, dẫn đến có những HS lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài ngàn đô để đóng “lệ phí” cho con tham dự các cuộc thi.
Những nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, xã hội học đã công bố những nghiên cứu và thúc giục sự thay đổi chính sách giáo dục trên phạm vi quốc tế. Việt Nam cũng đang thay đổi tích cực theo định hướng: phát triển năng lực người học dựa trên quá trình học tập, để người học tự chủ thích ứng và làm chủ tương lai. Những kỳ thi, cuộc thi có thể vẫn nên tồn tại, để giúp đo lường chuẩn đầu ra và tìm kiếm những tài năng, qua đó góp phần tạo động lực cho người học. Tuy nhiên, việc lạm dụng các kỳ thi, lôi kéo HS tham gia nhiều kỳ thi, và dành quá nhiều ưu tiên cho những người đạt kết quả cao có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở, những người tài không vì một cuộc thi mới bộc lộ, tài năng cần được phát hiện và tạo điều kiện rèn luyện lâu dài; điểm số không phải thước đo việc học tập, quá trình học tập mới thể hiện đúng tư chất của người học; các cuộc thi nên là một ngày hội để HS và các cơ sở giáo dục giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó khích lệ nhau phát triển. Và vì thế, cần tìm ra các cách để những điều đó được thực thi trong thực tế giáo dục, chứ không nên vì những lợi ích khác.
Tuệ Nguyễn
Nguồn: báo Thanhnien