Mình đang có tình tiết " Phạm tội có tính chất côn đồ" rất mong được các luật sư, các thành viên, các bạn đọc giả góp ý:
Tính chất côn đồ và phạm tội có tính chất côn đồ có gì khác nhau và được quy định thế nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Thứ nhất: Trước tiên phải cắt nghĩa của từ “ Côn đồ”, theo từ điển tiếng Việt thì Côn đồ là kể chuyên gây sự, hành hung, từ đó thấy rằng đây là chỉ chủ thể, chỉ con người côn đồ chứ không xác định về mặt hành vi côn đồ. Từ đó có thể hiểu theo nghĩa Có tính chất côn đồ có phải là con người đó côn đồ hay đánh giá hành vi đó côn đồ và khái niệm tiếp theo là Phạm tội có tính chất côn đồ? vậy hiểu thế nào là Phạm tội có tính chất côn đồ.
Thứ hai: Tính chất côn đồ được đề cập trong ngôn ngữ và môi trường pháp lý.
Về mặt hướng dẫn của ngành tòa án trước đây đã có công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 1995 giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” như sau: (Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…)
Về quy đinh trong Bộ luật hình sự hiện tại đang tồn tại khái niệm “Có tính chất côn đồ” với 2 mức độ khác nhau:
Mức độ thứ nhất được hiểu là tình tiết tăng năng trác nhiệm hình sự được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 48 Bộ luật hình sự “Phạm tội có tính chất côn đồ”.
Mức độ thứ hai được hiểu là tình tiết định khung tội phạm tại điểm n, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự về Tội giết người và điểm i, khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Thực tế đang có rất nhiều cách hiểu khác nhau về có tính chất côn đồ và phạm tội có tính chất côn đồ. Có thể hiểu có tính chất côn đồ là trường hợp người phạm tôi coi thường pháp luật, có hành vi ngan ngược, càn quấy, bất chấp sự ngăn cản của người khác, từ những nguyên cớ nhỏ nhặt cố tình gây sự để phạm tội, có thể đánh giá từ quá khứ của họ, nhân cách hay cách ứng xử, lối sống để nhận diện cá nhân con người được hiểu là Côn đồ. Cũng có những cách hiểu khác như đây là người chuyên gây sự, tự mình gây ra nguyên cớ sau đó lại phạm tội mà không phụ thuộc vào quá khứ hay cách ứng xử, mà xét trên chính hành vi như vậy được hiểu là côn đồ hay phạm tội có tính chất côn đồ.
Thứ ba: Từ những cách hiểu không thống nhất như trên, theo tôi đánh giá hành vi đó có phải là hành vi côn đồ hay không mới là vấn đề cần đề cập, còn về bản thân chủ thể sẽ có những hình thực tăng năng trách nhiệm khác như tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, do đó khi đánh giá hành vi có tính chất côn đồ hay không phải dựa vào các tiêu chí sau:
-
Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội: Nguyên nhân nào dẫn đến hành vi phạm tội, có phải nguyên nhân do chính người thực hiện hành vi phạm tội tạo ra hay không? Đây có phải là nguyên cớ nhỏ nhặt hay không? Và nhiều vấn đề khác để đánh giá nguyên nhân này;
-
Thời gian, địa điêm, khung cảnh xảy ra tội phạm có thể hiện được việc coi thường pháp luật hay không? Có ý thức thách thức pháp luật hay không?
-
Động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội;
-
Tương quan lực lượng giữa người phạm tội và người bị thiệt hại;
-
Về công cụ, phương tiện cũng như thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội;
-
Về hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội gây ra;
-
Về nhân thân, ứng xử và lối sống của người thực hiện hành vi phạm tội.
Về các tình tiết khác có liên quan để đánh giá trên các khía cạnh là chủ thể có tính chất côn đồ và hành vi của chủ thể có tính chất côn đồ.
Trên đây là những phân tích, đánh giá và nhận định của cá nhân tôi về “ phạm tội có tính chất côn đồ” rất mong có được sự góp ý, đóng góp của nhiều bạn đọc, tôi xin chân thành cảm ơn.
Ngô Thế Thêm
Luật sư Ngô Thế Thêm - www.luatdoanhgia.com; www.luatdoanhgia.vn - 098.112.9988 - 0904.779997
LUẬT DOANH GIA - Nền Tảng Pháp Lý Việt
Email: luatsungothethem@gmail.com