TPO - Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, tới đây khi thẻ căn cước gắn chip được triển khai, công dân vẫn có thể sử dụng thẻ căn cước mã vạch (còn hạn) như bình thường.
Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an). Ảnh Báo CAND
Sáng 21/8, đại diện Bộ Công an đã có buổi giao lưu trực tuyến (do báo Công an nhân dân tổ chức) về quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 xoay quanh dự án Luật Cư trú sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến.
Lý giải về về việc sửa đổi Luật Cư trú lần này, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Sổ hộ khẩu và tạm trú đã có “tuổi thọ” hơn 70 năm, mang theo mình nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống. Nhưng hiện tại, điện thoại thông minh đã trở thành bộ mặt của thời đại số. Chính vì vậy, Luật Cư trú sửa đổi sẽ mang sứ mệnh để tạo ra cơ sở pháp lý nhằm thay đổi cơ chế quản lý dân cư từ thủ công, lỗi thời, lạc hậu, sang phương thức quản lý điện tử qua mã định danh cá nhân.
“Mỗi người sẽ được cấp mã định danh cá nhân 12 chữ số, mã hoá thông tin cần thiết về cá nhân đó, phục vụ công tác quản lý xã hội và quản lý dân cư. Chưa đầy một năm nữa, tất cả công dân Việt Nam chỉ cần một nút chạm trên điện thoại thông minh sẽ được hưởng những thành quả rất hữu ích”, Thượng tá Thu chia sẻ.
Một vấn đề đặt ra là, khi bỏ sổ hộ khẩu, việc quản lý sẽ thay đổi ra sao? Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) lý giải, bỏ sổ hộ khẩu giấy tức là thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú "thì bất cứ Nhà nước nào cũng phải thực hiện".
“Luật Cư trú có điểm đổi mới nổi bật nhất là bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở chỗ nào thì đăng ký thường trú ở chỗ đó”, Đại tá Cường nhấn mạnh.
Cũng chính từ “điểm đổi mới nổi bật này”, nhiều ý kiến băn khoăn, nếu bỏ điều kiện nhập khẩu vào các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, liệu có tạo ra “làn sóng” nhập khẩu vào Hà Nội, gây khó khăn, quá tải cho hạ tầng?
Theo Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Bộ Công an đã tiến hành khảo sát ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu tài liệu về thành phố Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Kết quả, 3 thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ chưa đủ quy mô dân số (1,5 triệu dân) theo quy định của Chính phủ cho thành phố trực thuộc Trung ương. Áp lực về dân số hiện chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, việc tăng dân số cơ học của 2 thành phố này không phải do quản lý dân cư mà còn phụ thuộc các yếu tố khác như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống…
“Việc bỏ điều kiện riêng để thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Quy định hiện hành đang tạo ra sự bất bất bình đẳng về tự do cư trú của công dân, nhất là người dân ở các thành phố lớn”, đại diện Bộ Công an khẳng định.
Nói thêm về việc này, Đại tá Ngô Như Cường cho rằng, vấn đề di chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. “Qua tổng kết theo dõi, chúng tôi thấy điều kiện đăng ký thường trú ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ hạn được người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được dân số”, ông Cường cho hay.
Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu
70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ gắn chip
Một vấn đề khác đang được người dân thủ đô và nhiều tỉnh thành khác quan tâm là chủ trương cấp đổi lại thẻ căn cước công dân dự kiến sẽ được Bộ Công an triển khai trong thời gian tới. Việc cấp đổi này có gây ảnh hưởng, phiền hà cho người dân? Đặc biệt, chủ trương gắn chip trên căn cước có ảnh hưởng như thế nào đến việc bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của công dân?
Trả lời vấn đề này, Đại tá Ngô Như Cường lý giải, trước đây khi xây dựng Luật Căn cước công dân đã tính toán đến việc gắn chip, nhưng "khi đó chi phí chip cao, ngân sách chưa đáp ứng được và trong nước chưa sử dụng được một số công nghệ liên quan đến chip".
Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc trước đây đã được giải quyết. Bên cạnh đó, hiện Bộ Công an đang triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang đề xuất phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý thẻ căn cước công dân thì nên tận dụng hạ tầng, thiết bị của hai dự án sẽ tiết kiệm được chi phí.
Về ưu điểm của thẻ chip, theo Đại tá Cường, độ bảo mật cao hơn; trên thế giới nhiều nước đã sử dụng; và lưu giữ nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm các trường thông tin của nhiều ngành, lĩnh vực như y tế, bằng lái xe, thuế... Về bảo mật, chip sẽ được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép.
“Nếu có bị trộm cắp cũng không dùng được, chỉ người chủ sử hữu mới có thể sử dụng. Vì ngoài số định danh cá nhân còn có thông tin cá nhân, sinh trắc học, nhận dạng...”, Bộ Công an đồng thời khẳng định, với thẻ căn cước có mã vạch hiện nay vẫn sử dụng bình thường, vì số căn cước vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi lưu trữ thông tin. “Nếu thẻ còn hạn thì vẫn tiếp tục sử dụng, không bị xáo trộn, ảnh hưởng gì”, Đại tá Cường khẳng định.
Về việc này, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu nói thêm, theo số liệu trên báo chí, hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chip, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990.
“Quá trình nghiên cứu việc sử dụng chip cho thấy, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi gắn chip và tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe với thẻ căn cước thì tình trạng TNGT giảm hẳn. Do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân”, Thượng tá Thu nhấn mạnh.
Theo Tiền phong